
Cảnh trong Tristan and isolde, Glyndebourne Festival Opera, 2007
Bạn đã từng khước từ nghe The Ring? Hay phải bỏ dở giữa chừng khi đang nghe Tristan and Isolde? Michael Scott Rohan đã đặt câu hỏi vì sao nhạc Wagner lại khó tiếp cận đến vậy, từ đó tìm cách dẹp bỏ những rào cản trong tâm trí để có thể thưởng thức trọn vẹn âm nhạc kỳ diệu của Wagner.
Wagner! Cái tên gợi nhắc đến thứ âm nhạc choáng ngợp, u ám, đậm đặc chất Đức, điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Có cả ánh sáng, sự hài hước, vẻ đẹp thiên nhiên lôi cuốn và trên hết là tình yêu. Dù đã từ lâu, opera của Wagner gắn với hình ảnh những bà béo trong bộ giáp trụ thổi tù và, hay những gã bắc Âu đi ủng da cao quá đầu gối… nhưng sự thật Wagner vẫn là một nhà Lãng mạn tới cùng, vì âm nhạc của ông tất cả đều hướng về tự nhiên và tình yêu.
Tất cả hình ảnh hay liên tưởng về nhà soạn nhạc này đều gợi lên những tranh cãi gay gắt – không chỉ trong thời đại ông đang sống hay hơn một thế kỷ sau này… ông chưa bao giờ tự gọi những sáng tác của mình là “âm nhạc của tương lai” – đó chỉ là một trong những điều huyền hoặc về Wagner. Ngày nay chúng ta đều thừa nhận rằng vở opera Tristan and Isolde gây ảnh hưởng sâu sắc đến âm nhạc đương đại, và khó có nhạc sĩ nào về sau lại chối bỏ ảnh hưởng từ Wagner: tiêu biểu như R. Strauss, Dvorak, Rimsky Korsakov, Holst… Debussy trong lúc sáng tác Pelléas et Mélisande bị ảm ảnh đến mức thấy cần phải bảo vệ từng trang tác phẩm của mình khỏi… nhân vật Klingsor, phù thủy xấu xa trong Parsifal… Vaughan Williams thì diễn tả rằng, tác phẩm Wagner mang lại “một cảm giác về sự cảm thông, cũng như khi gặp một người bạn cũ”, Puccini thậm chí còn thừa nhận: “… chúng ta chỉ như tiếng mandolin phụ họa, tô vẽ thêm xung quanh Wagner”. Còn Verdi (sinh cùng năm Wagner), dù có phần đối đầu trong sự nghiệp vẫn nghiên cứu các tác phẩm của Wagner với lòng ngưỡng mộ, thậm chí vở Falstaff của Verdi cũng mang chút bóng dáng của Parsifal?!. Sviatoslav Richter từng nói rằng: “Tôi có 3 người thầy, là giáo sư của tôi, bố tôi và Wagner.”
Là con người gây tranh cãi, che phủ bởi vô số điều đàm tiếu và huyền hoặc, nhưng âm nhạc của Wagner lại được đón nhận trực tiếp và có vị trí đặc biệt trong giới trí thức không liên quan tới âm nhạc. Colin Dexter (sinh năm 1930) nhà văn người Anh chuyên viết tiểu thuyết trinh thám – tác giả của Điểu tra viên Morse (Inspector Morse) đã tuyên bố là nếu trong truyện của ông mà có tình huống căn nhà của nhân vật đang bốc cháy, thì điểu đầu tiên anh ta phải làm là cứu lấy bộ sưu tập Wagner. Cũng chịu ảnh hưởng tương tự, Martin Graham, doanh nhân vùng Cotswolds (một vùng thiên nhiên đẹp của Anh) - bằng lòng ngưỡng mộ và tình yêu với âm nhạc Wagner đã lập ra Longborough Festival Opera từng nổi tiếng với Das Rheingold, dàn dựng lần đầu năm 2007.

Minh họa Brünnhilde bởi Arthur Rackham
Nhiều người thường thấy nhạc Wagner gần với nhạc phim, nhưng nếu suy ngược lại ngay từ thời kỳ sơ khai của điện ảnh, thì những sáng tác nhạc cho phim đều chịu ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ từ Wagner; Ví như Nosferatu của Werner Herzog và New world của Terrence Malick đều vay mượn những nét chủ đạo từ prelude trong Rhinegold, còn ở mức độ sáng tạo cao hơn nhưng vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng phải kể đến Hans Zimmer với nhạc phim Gladiator.
Có những lý do nào đó khiến Wagner trở thành một kẻ bị ghét bỏ, gây ác cảm ngay với cả những người yêu nhạc vốn ít thành kiến? Nguyên nhân chính chủ yếu do thói khoa trương của ông. Nhưng xét cho cùng Wagner cũng không phô trương hơn Beethoven, Mahler hay Schoenberg là mấy. Còn Operas của Monteverdi, Handel hay thậm chí Mozart với Don Giovanni cũng có độ dài tương đương như Opera Wagner. Ngay cả tính kịch trong các mẫu hình nhân vật của Wagner cũng chỉ cường điệu ở mức độ như nhân vật của Shakespeare, Goethe hay các kịch tác gia Hy Lạp cổ đại.
Nếu Opera của ông quá dài, thì bởi vì có quá nhiều thứ đáng giá trong đó, nên khi càng hiểu rõ hơn tác phẩm, người ta thường thấy nó dần ngắn đi và dễ nắm bắt hơn. Opera Wagner có thể hấp dẫn từ các câu chuyện có nội dung gắn với những hoạt động sống rất gần gũi như The Flying Dutchman và Die Meistersinger cho đến mang đậm yếu tố triết học và tâm lý học như Tristan và Parsifal. Và khán giả hoàn toàn có thể lựa chọn tác phẩm nào phù hợp với mình để bắt đầu…

Minh họa Trinh nữ sông Rhine của Arthur Rackham
Không cần thiết phải cố gắng học gạo trong nhiều tuần theo kiểu gợi nhớ lại bằng cảnh diễn sân khấu và nội dung liên quan. Bởi Wagner phát triển tác phẩm độc đáo dựa trên hệ thống các motif, là những chủ đề ngắn với yếu tố giàu tính kịch. Nếu ở đây có vài kẻ cuồng tín Wagner, thì hẳn họ sẽ góp ý rằng có thể tạo nhiều tag gồm các motif nhỏ lẻ theo chủ đề rõ ràng, giả dụ như “sự hy sinh của tình yêu”, “ ngọn giáo”, “lời nguyền”… nhưng điều đó chỉ khiến những thính giả vốn có trí nhớ kém lại gom góp một mớ list tag dài dằng dặc trước khi họ đến được với cái gọi là “trải nghiệm” âm nhạc Wagner. Vì rõ là cách đó chỉ tạo ra một núi rác khổng lồ; tác phẩm lớn không thể hình thành theo cách chắp ghép kiểu trò chơi lego?! Kỹ thuật, cách thức của Wagner phức tạp hơn thế. Các motif không phải là chìa khóa duy nhất, bởi về cơ bản chúng phát triển từ một vài yếu tố gốc, chia nhánh hay hòa trộn với nhau để tái tạo những hình thức mới chói sáng, có thể cảm nhận chỉ bằng tiềm thức trong một phức hợp đa dạng. Mà thông thường biểu hình thấp thoáng trên bề mặt, như những đường cong lượn sóng ẩn hiện. Do đó chúng quá tinh tế và không hoàn toàn thuần nhất để nhóm lại theo tag, ví như âm nhạc của cái gọi là “sự hy sinh của tình yêu” có thể vừa là lời nguyền tình yêu của Alberich, mà cũng có thể là thắng lợi chắc chắn của Siegmund.
Nhắc đến tài liệu tham khảo thì bạn có thể thử bài nói An instroduction to Der Ring des Nibelungen của Deryck Cooke thu âm cho hãng Decca (mã đĩa 443 5812) để cảm nhận phần nào về sự phức hợp trong âm nhạc Wagner – tuy nhiên cũng không hẳn là cần thiết phải có những thứ như vậy. Nói chung cứ nắm bắt trước một vài motif là được, phần còn lại đừng vội bận tâm (dù phần còn lại có khi là … tất cả). Và việc trao đổi kinh nghiệm với những người đã lâu năm nghe Wagner là một điều nên làm. Các Wagnerian có xu hướng ít cục bộ và trưởng giả hợm hĩnh. Và họ có mặt ở mọi lứa tuổi. Từ những sinh viên tuổi teen mà tôi thấy khá nhiều ở Scottish Opera và ENO – trong đó gồm cả cô vợ tương lai của tôi, đã có trải nghiệm nhất định với The Ring ở Vienna! Hay như nhiều bạn trẻ đang chờ vé cho buổi Prom Wagner ngay sảnh dưới. Còn ngoại lệ là ở Bayreuth – nhà hát của riêng Wagner, nơi những kẻ “hậu duệ” của ông vẫn thường xuyên tụ tập bàn tán, tranh luận không ngớt về những chủ đề âm nhạc đa dạng.

Một lý do khiến nhạc Wagner gần gũi với những thính giả trẻ là bởi thế giới ông vẽ ra gần với sách truyện, phim ảnh hay thậm chí Video game: đó là những truyền thuyết và thế giới cuồng tưởng phóng túng. CS Lewis (tác giả bộ tiểu thuyết The Chronicles of Narnia) đã khám phá và bị lôi cuốn bởi The Ringqua những minh họa tuyệt vời của Arthur Rackham theo phong cách cổ điển. Trong khi nhà văn cùng thời là JRR Tolkien, tác giả bộ The lord of the rings nổi tiếng cũng chịu ảnh hưởng của Wagner rõ rệt. Nhưng kể cả những tác phẩm trần tục hơn nhưMeistersinger thì cũng không thiếu vẻ kỳ vĩ và còn được thêm vào hơi ấm của những tình cảm gần gũi, hay yếu tố tình dục mạnh mẽ trong Tristan, là thứ mê dược giải phóng những khát khao vốn bị chôn sâu dấu kỹ. Thế giới cảm xúc của Wagner, với những chủ đề đầy cô độc, nỗi đau khổ bị tách biệt với thế giới, và quá trình tìm kiếm tình yêu và sự lấp đầy trọn vẹn, trong những xung đột tự nhiên rất người giữa hai giới, nam và nữ, ở đó hiện diện những yếu tố hiện đại; mà sau này là mối quan tâm chính của Freud và Jung. Trong thế giới của Wagner, nhân vật Wotan là hình ảnh bi kịch của con người bị tha hóa bởi tham vọng quyền lực. Một mẫu hình không bao giờ xưa cũ. Từ trước tới nay có rất nhiều nhân vật chính trị mang đặc trưng giống Wotan.
Một mặt tối thực sự là đã có thời kỳ nhiều người xem Wagner là một điển hình của tư tưởng phát xít. Hitler thích Wagner, điều đó hẳn nhiên đúng, nhưng Theodor Herzl, cha đẻ của chủ nghĩa dân tộc Do Thái (Zionism) cũng có lựa chọn tương tự. Nhiều nhân vật cao cấp khác trong bộ máy phát xít, như Bộ trưởng bộ Tuyên truyền (Reich Minister of Propaganda) Goebbels và Alfred Rosenberg đưa hình ảnh Wagner vào hệ thống của họ một cách miễn cưỡng bởi thấy rõ rằng ông thuộc phía đối lập, họ sử dụng ông nhưng đồng thời cũng ra lệnh cấm đối vớiParsifal - tác phẩm chói sáng giai đoạn cuối của Wagner
Điều thực sự đáng buồn là Wagner có tư tưởng bài Do Thái, nhưng hoàn toàn ko gắn với các hành vi bạo lực, và ở mức độ kỳ thị cũng ít hơn nhiều so với những Yeats, TS Elior, GK Chesterton hay Stravinsky. Wagner chưa bao giờ nhắc đến những biện pháp bạo lực chống lại người Do Thái, mà chỉ muốn đồng hóa họ - và chưa bao giờ mang ý tưởng về nhà nước German thuần chủng. Thêm nữa ông sống giữa những người trợ lý và bạn bè mà vốn gốc Do Thái, từng là một phần trong gia đình ông, đều có thể làm chứng cho thái độ ân cần và hào phóng của ông. Mà theo tiêu chuẩn đó thì ông đáng bị nhà nước Phát xít trục xuất hàng đầu. Và cuối cùng là không như Chesterton – trong hệ thống tác phẩm của ông không hề có dấu vết chống lại người Do Thái.
Lê Long (nhaccodien.info),dịch
Nguồn: Bài viết “What’s wrong with Wagner” - BBC Music Magazine tháng 4 năm 2010.
No comments:
Post a Comment