Thursday, March 14, 2019



Bài viết về Shostakovich và Giao hưởng số 7 "Leningrad" trên mục MUSIC của tạp chí TIME,  July 20,1942. Trang bìa với hình ảnh Shostakovich trong trang phục "lính cứu hỏa". Lên sạp khoảng 1 tuần trước ngày Công diễn Bắc Mỹ 19-7 bởi nhạc trưởng Toscanini cùng Dàn nhạc giao hưởng đài NBC. Buổi studio concert được phát sóng trực tiếp trên toàn nước Mỹ.

Bài viết khá hấp dẫn, thú vị và chuyên nghiệp ở góc độ xử lý và truyền tải thông tin (phần nhiều trong số đó là không thật sự chính xác và mang tính chủ quan), dù sao cũng rất đặc trưng với góc nhìn từ nước Mỹ. Quan điểm về Tác phẩm và tác giả Shostakovich có phần mỉa mai, ngờ vực (do thiếu cái nhìn toàn diện cũng như trải nghiệm sâu với các sáng tác đa dạng của Shostakovich)


***

SHOSTAKOVICH VÀ HỌNG SÚNG:

Ngạn ngữ Nga có câu: “Khi súng đạn lên tiếng, thì nàng thơ phải lặng im”
Thế nhưng vào mùa Đông vừa qua, khi tiếng pháo của quân Đức đang gầm thét, Shostakovich đứng quan sát trên nóc Nhạc viện Leningrad với vai trò người báo cháy nói: “Đây là lúc nàng thơ sẽ lên tiếng cùng đại bác”

Chiều CN này nước Mỹ sẽ được nghe thấy bằng chứng của anh, dù bằng chứng này đã tồn tại 25 năm rồi: Máu chảy như suối và khô lại thành băng trên thềm của Cung điện mùa Đông. Cận vệ Đỏ bước qua những xác người và máu đã đóng băng, xuyên qua các  lớp rào và cửa chắn. Khi những âm thanh cuối cùng của cuộc tấn công lịch sử đã dứt, khi những vết tích cuối cùng của chế đỗ cũ đã bị ném vào “sọt rác của lịch sử” (theo cách nói của Bolshevik). Nước Nga của những Sa hoàng, của nghi lễ Byzantine, của các thầy tu điên và roi da Cossack, của hỗn loạn và vô năng, đã quỳ gối trước báng súng, gục ngã dưới chân nước Nga của giai cấp vô sản, của công nghiệp hiện đại, của nền độc tài xã hội chủ nghĩa. Thời khắc đó là tháng 11 năm 1917, Năm thứ nhất của CM Nga.

Hình minh họa đăng trong bài viết

Đó cũng là năm thứ 11 trong cuộc đời của câu bé thuộc gia đình tư sản đang bị kích động với khuôn mặt tái nhợt, khi bám chặt tay người giúp việc trên đường phố Petrograd hỗn loạn. Người hầu nói với cậu: “Đây chính là cách mạng, Mitya”. Dimitri Shostakovich trẻ tuổi chỉ biết nhìn chằm chằm và nắm chặt lấy gấu tạp dề của người giúp việc. Nhưng những gì cậu nghe và thấy đã được suy ngẫm trong đầu óc sớm phát triển của cậu. Một lần khi đã an toàn ở nhà, cậu ngồi xuống và sáng tác 2 khúc nhạc: Hướng tới tự doHành khúc tang lễ cho Nạn nhân của cuộc cách mạng. Một thần đồng trước một sự kiện kỳ dị của lịch sử.

Vào chủ Nhật này, một chương chình đặc biệt của Dàn nhạc giao hưởng NBC sẽ được phát sóng (lúc 4.15 đến 6 pm E.W.T) mang đến cơ hội đầu tiên cho khu vực Tây bán cầu được nghe nàng thơ Marxist của Shostakovich lên tiếng, nay đã thêm 25 tuổi, qua bản Giao hưởng số 7, tác phẩm lớn nhất, đòi hỏi dàn nhạc quy mô nhất của nhạc sĩ - tác phẩm mà anh đã viết trong “tour du lịch” từ nghĩa vụ đào hào đến báo cháy trên nóc Nhạc viện.

Kể từ buổi diễn đầu tiên vở Parsifat (năm 1903) ở Manhattan cho đến giờ mới có một tác phẩm âm nhạc khiến người Mỹ trông mong đến vậy.
...
VỀ BẢN GIAO HƯỞNG: 
Được viết dành cho dàn nhạc khổng lồ. Giao hưởng số 7 của Shostakovich không phải là một sự mô phỏng chiến trận trắng trợn, mà là diễn giải bằng âm nhạc của một người Nga về chiến tranh. Xét một cách nghiêm khắc, nó giống một tổ khúc giao hưởng hơn là một bản giao hưởng. Như một con rắn khổng lồ với vết thương trên mình, trườn bò chậm rãi, kéo lê thân thể lòng thòng của nó đi qua 80 phút cùng dàn nhạc. Có rất ít sự phát triển từ những chủ đề táo bạo và trần trụi. Dường như  tác giả cũng không có ý định làm giảm bớt đi sự lỏng lẻo của tác phẩm, đôi khi cấu trúc xương của tác phẩm được nén lại về với cấu trúc giao hưởng cổ điển thông thường.

Thứ âm nhạc rất vô định này chính là sự biểu đạt cái hỗn loạn vô định hình của nước Nga trong chiến tranh. Chủ đề lúc thì hân hoan, khi thì thống khổ. Cái chết và sự chịu đựng ám ảnh nó. Nhưng giữa những đợt bom rắt réo ở Leningrad, Shostakovich cũng đã nghe thấy âm thanh của chiến thắng. Trong chương cuối của bản giao hưởng, dàn kèn đồng tiên báo cái mà Shostakovich mô tả là “chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của nhân tính trước bạo tàn”

Phần lớn tác phẩm là tính chất anh hùng, điều thấy hầu hết trong 27 phút của chương 1. Giai điệu mở đầu giản đơn, gợi nhắc về sự yên bình, cuộc sống thường nhật hay hy vọng, bị cắt ngang bởi chủ đề chiến tranh, vô cảm, tàn bạo. Để có được hiệu quả này, Shostakovich viện đến một mẹo: gõ bằng mặt sau của vĩ kéo violin, làm nên một nét nhạc mà có thể liên tưởng đến các show múa rối. Tiếng trống nhà binh ban đầu rất khẽ, sau lớn dần lên, được nhắc lại 12 lần trong khoảng 12 phút  tiệm tiến. Chủ đề không hề phát triển mà chỉ đơn giản tăng dần về âm lượng như Bolero của Ravel; được tiếp nối bởi một đoạn chuyển trữ tình như khúc nhạc thánh ca cho nạn nhân của chiến tranh.

Trong những sáng tác gần nhất của Shostakovich, ta thấy dấu vết của Beethoven, Berlioz, Rimsky-Korsakov, Mahler, hay từ nhạc sĩ hiện đại như Poulenc và Busoni. Giao hưởng số 7 được mô tả bởi những người đã được nghe, như là phiên bản Nga hiện đại của Symphonie Fantastique của Berlioz. Nó cũng có thể được coi như nhạc nền của một thước phim tài liệu tâm lý về nước Nga ngày nay.

Ảnh đăng trong bài viết, về việc Toscanini đã "hớt tay trên" Koussevitzky
giành quyền chỉ huy buổi công diễn bản Giao hưởng số 7

Về nhạc sĩ:
Cha Shostakovich là một kỹ sư. Mẹ anh, là một sinh viên Nhạc viện St. Petersburg (nay là Leningrad), tin rằng con mình không nên học nhạc trước 9 tuổi vì sợ cậu bị mất đi nhạc cảm. Nhưng Shostakovich dường như nghĩ khác.

Khi lần đầu được dẫn đi xem Tsar Sultan của Rimsky Korsakov khi mới 5 tuổi. Dù chỉ mới nghe một lần nhưng cậu đã có thể hát lại một đoạn dài theo các aria trong vở diễn bằng trí nhớ. Đôi khi câu ngồi trước đàn, đánh một hợp âm và nói: “Đó là những vì sao”. Đôi khi cậu đánh những nốt cao và nói: “Đó là người đang kiễng nhìn qua cửa sổ”. Ở tuổi 13, cậu vào học Nhạc viện Leningrad. 19 tuổi, câu sáng tác Giao hưởng đầu tiên (một trong những sáng tác phổ biến của cậu) cũng chính là bài tốt nghiệp.

Trong hơn 80 năm âm nhạc Nga đã chịu ảnh hưởng mạnh của “Nhóm 5 người” phần lớn nghiệp dư. Đối nghịch với họ là phong cách quốc tế của Tchaikovsky, “nhóm 5” tin rằng dân ca Nga là nguồn cung cấp chất liệu cho âm nhạc hiện đại. Igor Stravinsky tiếp tục truyền thống dân tộc này, dù sau đó ông đã từ bỏ để theo đuổi sự trừu tượng khắc khổ hơn.

Cách mạng Nga hủy hoại nhiều thứ, nhưng nó đã không làm tổn hại di sản âm nhạc dân tộc này. Shostakovich thừa nhận mình mắc nợ “Nhóm 5”, Nhưng anh đã đi quá xa với chủ nghĩa chiết trung để bám lấy tính dân tộc. Anh cũng là con người của cách mạng, bằng việc sáng tác Giao hưởng số 2 với tiêu đề Tháng mười (kỷ niệm sự kiện CM tháng 10), số 3 với tiêu đề Ngày lễ lao động (May Day).

Shostakovich trong vai trò đội viên Báo cháy
Ảnh chụp ngày 29-7-1941
Cả 2 đều không đủ hấp dẫn và đại chúng như bản số 1; đã khiến anh chuyển sang ballet và opera châm biếm. Vở “Lady Macbeth of Mzensk” là một kiểu âm nhạc giải trí cuối tuần, về cuộc sống nơi thôn quê thời kì nước Nga Sa hoàng. Cuộc sống quanh năm bị chôn vùi tại Mzensk, sống mà như chết, nữ chính đã gây ra 3 vụ giết người  để giải tỏa sự chán nán. Vở opera Soviet đầu tiên - Lady Macbeth trở thành hiện tượng, với hơn 200 buổi diễn tại Leningrad và Moscow. Ở Mỹ, khi nó xuất hiện năm 1935, bị coi là suồng sã, ồn ào, thô tục và hỗn tạp của đủ các thể loại âm nhạc. Dù vậy, Lady Macbeth of Mzensk hấp dẫn nhiều nghệ sĩ bởi sức sống, sự sắc sảo trong âm nhạc đặc trưng, phối khí đỉnh cao.

Và nó cũng gần như hủy hoại nhạc sĩ Shostakovich. Ở  đỉnh điểm của Đại Thanh Trừng, khi người Nga run rẩy trong sợ hãi bởi số người bị quăng vào tù  như đám rùa rơi xuống ao. Stalin quyết định đến buổi diễn Lady Macbeth. Ông ta không thích nó, bỏ về trước khi hạ màn. Giết người vì buồn chán với ông là một ý tưởng của tư sản. Ngoài ra, gu âm nhạc của Stalin khá đơn giản, ưa thích giai điệu dễ nghe, đâu đó giữa giao hưởng Anh hùng của Beethoven và Rigoletto của Verdi. Chưa hết, ông còn ngồi ở vị trí bên trên bộ đồng nữa.

Đáp lại, một bài báo trên Pravda gọi âm nhạc Shostakovich là “Phản Soviet, độc hại, rẻ tiền, kỳ quái và leftist (phi điệu tính)”. Vài ngày sau bài báo, Pravda tiếp tục tấn công vở ballet cũng của anh, The Limpid Stream. Bạn bè sợ rằng tác phẩm tiếp theo của Shostakovich sẽ là “Stone walls do not a Prison make”. Nhưng nhạc sĩ Shostakovich đã không phải là một nhà cách mạng chẳng vì lẽ gì. Anh công khai đồng tình với bài báo, rằng Pravda hiểu âm nhạc của anh hơn anh rồi lập tức rút lại Giao hưởng số 4 (cho đến giờ nó vẫn chưa từng được diễn) sau chỉ một buổi diễn tập. Anh tuyên bố rằng sẽ chứng tỏ sự thay đổi trong Giao hưởng thứ 5.

Đơn giản, lãng mạn, hoàn toàn theo truyền thống giống như trật tự mới ở Nga, Giao hưởng số 5 khôi phục vị trí cho Shostakovich. 2 năm sau Giao hưởng số 6 giúp anh thăng tiến xa hơn. Bên ngoài Nga, người yêu nhạc có phần khắt khe hơn nhưng vẫn bị thuyết phục bởi Giao hưởng số 5 và 6 của Shostakovich bởi tính chất tự nhiên, sáng tạo và trang trọng...

Shostakovich trên khán đài

Bia và bóng đá:
Ngày nay nếu bắt gặp Shostakovich lần đầu, sẽ thấy anh có phần ngại ngùng, nghiêm túc, uyên bác. Nhưng ở các cuộc vui giữa những người bạn nghệ sĩ, anh thoải mái, vui đùa, uống rượu tới bến. Anh cũng thích ô tô, lái xe nhanh, thích tạp chí Mỹ, thích đọc những tác giả Mỹ vốn phổ biến ở Nga như Mark Twain, Jack London, Thodore Dreiser, Upton Sinclair. Là một người thành thị chính hiệu, anh không ưa Dachas (nhà nghỉ thôn quê) và Muỗi

Trước khi quân Đức gây chiến, Shostakovich sống trong căn hộ 5 phòng ở chung cư Leningrad với đại gia đình (gồm vợ, 2 con, mẹ, chị và cháu trai) với núi bản thảo, sách về âm nhạc và thể thao.

Là một fan bóng đá cuồng nhiện, Shostakovich thường xuyên theo dõi tờ Red sport, như lời anh chia sẻ:
“Cao trào của cuộc vui không phải là khi bạn viết xong một giao hưởng mới, mà là khi gào khản giọng, với 2 tay mỏi rời vì vỗ, miêng khô kiệt vì hò hét và uống một hơi bia cùng 90000 khán giả sau chiến thắng của đôi nhà”
Dù sự thật là nó không thỏa mãn anh được như bóng đá, bất chấp cấu trúc lỏng lẻo và giai điệu đôi khi tầm thường, Giao hưởng số 7 có lẽ là tác phẩm trưởng thành nhất về mặt cảm xúc của Shostakovich, chắc chắn là một trong những tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất của anh. Nhưng vẫn còn một câu hỏi quan trọng cần lời giải đáp:
“Liệu nhà soạn nhạc Shostakovich sẽ là một đỉnh núi nữa, trên dãy núi với đỉnh cao tối thượng là Beethoven, hay anh sẽ  khởi đầu của một rặng núi hoàn toàn mới?”

Lê Long - nhaccodien.vn dịch / Time magazine số 20/7/1942