Wednesday, May 17, 2017

Hành trình Mahler - Giao hưởng số 1/10


A Mahler journey trên BBC music magazine từ năm 2010 khá hay vì ngắn gọn nhưng ấn tượng, trước đây có dịch nhanh được khoảng hơn một nửa (6 giao hưởng), đến giờ mới tìm lại được Tạp chí gốc để đối chiếu và dịch nốt phần còn lại (10 giao hưởng). Thời đó mới chỉ hứng thú với số 2,6, một phần số 9, ngoài ra muốn tìm hiểu Mahler vì rõ là "đối thủ nặng ký" nhất của Shostakovich. Sau một thời gian dài đã có điều kiện nghe nhiều và tự nhiên hơn, những thiên kiến ban đầu cũng không còn nữa, chỉ đơn giản là vui với việc khám phá thêm một "hệ mặt trời" mới, nguồn nhạc dồi dào với chất lượng được đảm bảo, đáng công cày mà ko sợ thất vọng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn bản số 10 và 8 vẫn còn khá mơ hồ (ngại nghe số 8 vì cái vẻ ngoài phù phiếm thừa mứa và chủ đề sáo rỗng của nó - hy vọng cũng chỉ là cảm tính vớ vẩn :D). Chắc sẽ chia thành nhiều bài nhỏ post dần...

***
Dần tìm hiểu 10 bản giao hưởng của Mahler là một hành trình đặc biệt. Để ghi dấu 150 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc người Áo này (bài viết năm 2010), chúng tôi đã nhờ 10 nhạc trưởng, mỗi người đưa chúng tôi đi lướt nhanh qua từng giao hưởng, khám phá thế giới với những cao trào cảm xúc, kỹ thuật phối khí dàn nhạc chói sáng và óc sáng tạo gây ngỡ ngàng.

Với Mahler, các giao hưởng và ca khúc là tất cả những "viên đá góc" - những ý tưởng nguyên gốc, là nền tảng cơ bản, hệ quy chiếu cho toàn bộ hệ thống tác phẩm của ông. Bởi cách Mahler ôm lấy cả thế giới, phản ánh chúng trong hệ thống tác phẩm như một tổng thể hoàn chỉnh và duy nhất, đồng nhất trong một hệ quy chiếu. Chỉ có Shostakovich, với hệ thống 15 giao hưởng cũng như Tứ tấu  cùng số lượng của ông, mới có một sự liên kết nội tại bên trong chúng với một hành trình âm nhạc như vậy. Nhưng Shostakovich hiếm khi sử dụng cùng một tham chiếu cho nhiều bản giao hưởng. Đó là một hệ thống đa dạng với ít yếu tố được sử dụng lại. Với Mahler thì khác, mỗi giao hưởng của ông là một công trình mới mà được dựng nên từ cùng những "viên gạch" cũ (dù chính ông chỉ đến cuối đời mới nhận ra điều này)

Từ Das Klagende Lied (Bài ca than vãn), là cantata viết năm 1880, được Mahler thử nghiệm và xem như tác phẩm số 1 (Opus 1), cho đến Giao hưởng "chống lại cái chết" - số 10 là khoảng thời gian 30 năm.... trong suốt thời gian đó ko có một lần nào ông chọn sai  nguyên vật liệu để làm nên các công trình của mình (hay là chọn khác đi). Những phiến đá lót nền, thường được liên hệ từ các ca khúc trước đó, gắn kết làm nên những nền đá quy mô hơn và cuối cùng là tỏa sáng dưới vẻ kỳ vỹ của những tp cuối đời, tất cả đều tiến tới một tầm cao nơi cái nhìn toàn cảnh về cái chết đang đến gần ở nhiều góc độ khác nhau.

Khi triết học được ông đào sâu và mở rộng hơn, thì đồng thời ông cũng đặt biệt chú tâm đi sâu vào phối khí dàn nhạc.Không tác phẩm nào (trong lịch sử âm nhạc) mà cũng cấp cho dàn nhạc những trải nghiệm về sự huy hoàng, rực rỡ và trình độ điêu liệu của dàn nhạc xuyên suốt thấu đáo như các giao hưởng Mahler. Nó cũng là phép thử thực sự cho một nhạc trưởng và dàn nhạc của ông ta khi nỗ lực trình diễn toàn bộ 10 giao hưởng trong một mùa diễn. Tại sao? bởi những tác phẩm bậc thầy đó cần phải được sắp sếp, cân nhắc 1 cách có hệ thống, suy nghĩ, trao đổi qua một tiến trình của cuộc đời. Hãy để cuộc tranh luận bắt đầu...

***


Giao hưởng số 1 (Symphony no.1 in D major)
Bình minh của người khổng lồ - khởi đầu của bộ liên khúc giao hưởng
David zinman chỉ huy dàn nhạc Tonhalle Zurich

Với tôi đây là chương đầu của cuốn tiểu thuyết dài mà kết thúc là giao hưởng số 10 dang dở. Giao hưởng số 1 được ra đời từ những ca khúc thời kỳ đầu mà Mahler viết, và đây là mấu chốt quan trọng để hiểu được phong cách của ông. Nếu ai muốn hiểu về giao hưởng Mahler, hãy đến với các ca khúc. Ông đã dùng ít nhất 3 ca khúc ở đây, và nó cũng mang dấu ấn của Das Klagende Lied (khúc thán ca).  Mahler đã viết tác phẩm trong thời gian dài, ko ngừng chỉnh sửa nó. Ban đầu được viết gần như phong cách Schubert; dành cho dàn nhạc nhỏ. Nhưng khi ông tới Opera Budapest, ông đã khiến nó có quy mô lớn hơn khi có sẵn nhiều nhạc công trong tay. Mahler luôn nuôi ý tưởng ưu ái những bài thơ dân ca chất phác, và tiểu thuyết Titan của Jean Paul cũng là nguồn cảm hứng (dù sau này nhạc sĩ không khuyến khích việc liên hệ với bất kỳ điều gì liên quan đến tiểu thuyết này - ND). Ý tưởng về chương thứ 5 đã được hình thành nhưng rồi bị loại bỏ vì tác giả cảm thấy ko hiệu quả.

Moritz von Schwind (1804-71): Tranh khắc gỗ "Bầy thú an táng người thợ săn ra sao"







Bản giao hưởng mở màn
ở một nốt cao - âm La (A), kéo dài trong khoảng 50-60 nhịp. Chủ đề ở giọng La xuất hiện như buổi bình minh chậm dãi nhưng dần choáng ngợp, thế giới thức tỉnh với tiếng kèn cor xa xăm phụ họa bởi tiếng chim hót. Mahler gọi đó là "mùa xuân bất tận". Đoạn mở đầu này là một trong những thứ khó nhất để thể hiện đúng - sự cân bằng giữa hợp âm từ những nốt thấp nhất cho đến những nốt cao nhất.

Chương 2 được Mahler mô tả "with full sails" (căng buồn lên, hoặc với tất cả tốc độ và năng lượng) nó là 1 chương Scherzo hài hước, một vũ khúc thôn dã (Landler) tuyệt đẹp - trình bày gần ở thể Tam tấu. Chương này dẫn đến phần Hành khúc tang lễ lôi cuốn một cách khôi hài.

Chương 3: Hành khúc tang lễ - Lễ mai táng người đi săn, dựa trên một tranh khắc gỗ gồm một đám thú vật đang rước 1 quan tài đi dọc khuôn hình, vừa chơi nhạc klezmer (nhạc chơi trong đám cưới hoặc hội hè của các nhạc công Do thái vùng Đông Âu - ND) trên đường phố. Đó cũng là lần đầu âm nhạc trần tục, thông tục được đưa vào trong giao hưởng. Chương nhạc mở đầu với bè bass solo tuyệt vời, như ca khúc "Frere Jacques" (bài hát thiếu như Pháp quen thuộc) ở giọng thứ u buồn, ta có thể thấy quãng 4 giảm âm đã thành biểu tượng trong âm nhạc Mahler như đại diện cho chính ông, chương nhạc kết thúc với ca khúc tiễn biệt do dàn dây diễn tấu khi người thợ săn được yên nghỉ.

Rồi bất ngờ toàn bộ địa ngục mở toang. Mahler mô tả chương cuối này như là từ địa ngục tới thiên đàng, Hợp âm mở màn như vỡ tung chói lòa. có thể làm khán giả nghe lần đầu bật dậy khỏi ghế, thật sự kinh hãi. Phần kết của Giao hưởng số 1 ở giọng Rê trưởng thực sự tráng lệ, với vẻ đẹp tuyệt diệu, hân hoan chiến thắng.

Lê Long/ nhaccodien.info/nhaccodien.vn dịch từ BBC music magazine số tháng 7/2010