Tuesday, November 1, 2016

Phần lớn âm nhạc cổ điển thế kỷ 20 đều vô nghĩa!


Ảnh: Kandinsky - Ứng tác số 31 (Hải chiến) 1913 (Improvisation 31 (sea battle)) Chất liệu sơn dầu*

Không hẳn phần lớn âm nhạc cổ điển của thế kỷ 20 phải mang một ý nghĩa hay nội dung nào đó.
Những sự kiện chính trị gây chấn động, những chuỗi sự kiện bi kịch của thế kỷ 20 đã quá quen thuộc với chúng ta thông qua nhiều phương tiện tiếp cận, chắc chắn sẽ phải được xem xét kỹ càng ở nhiều góc độ để hiểu và bình luận**. Nhưng có thể mọi người cũng băn khoăn về một câu hỏi cụ thể. Những sự kiện chính trị lớn đó ảnh hưởng lên âm nhạc cùng thời như thế nào?. Và bạn phải là một kẻ xét lại táo bạo mới dám phát biểu rằng chúng chẳng có chút ảnh hưởng nào cả.

***

The rest is noise của Alex Ross có lẽ à cuốn sách khá phổ biến trong 50 năm vừa qua, ít nhiều cổ xúy quan điểm để hiểu âm nhạc thể kỷ 20 phải gắn với nội dung của các cuộc chiến tranh lớn, hay các sự kiện chính trị xảy ra cùng thời. Cũng với ý tưởng đó đã dẫn đến Southbank centre festival*** "The rest is noise" kéo dài cả năm tại London. Điều đó có thể hiểu được từ góc độ marketing. Bởi thứ âm nhạc nghịch tai, đầy mối lo âu đặc trưng của thế kỷ 20 sẽ dễ bán hay truyền bá tới những nhóm thính giả "không chuyên" hơn nếu chúng được giới thiệu như là những bình luận âm nhạc (dù không lời nhưng hết sức mạnh mẽ rõ ràng) về các sự kiện nổi bật của thế kỷ, như Thảm sát do thái hay Thanh trừng chính trị của Stalin. Và tôi không phủ nhận rằng có nhiều nhà soạn nhạc đặc biệt nhạy cảm với các sự kiện thời sự xảy ra xung quanh họ, mà Shostakovich là một điển hình. Nhưng nếu xét một cách tổng thể, hay tìm ra nhân tố nào thực sự quan trọng đã định hình âm nhạc thế kỷ 20 thì liệu vai trò của những sự kiện chính trị, xã hội thực sự quan trọng đến đâu?

Nói theo cách khác. Trong opera của Wagner và Richard Strauss hay trong nhiều giao hưởng cuối thế kỷ 19, chúng ta thấy âm nhạc điệu tính bị bóp méo, biến dạng đến những ranh giới mà dự báo sẽ phá vỡ hệ thống cũ. Sau đó Schoenberg đã chọn hướng vô điệu tính (atonality)  và rồi hệ 12 âm - âm nhạc chuỗi (serialism); trong khi Stravinsky lại theo một hướng khác, vẫn giữ điệu tính nhưng gắn với nhịp điệu bất đối xứng và gây hấn nhiều hơn... Cùng lúc đó, thị hiếu âm nhạc cũng mở rộng, cách sử dụng dàn nhạc quy mô một cách khoa trương của âm nhạc Lãng mạn không còn chiếm ưu thế, xu hướng xử lý dàn nhạc vụn vặt nhưng đa dạng và tinh vi, cảm xúc trừu tượng, bớt đa cảm và thiên về thú vị tinh quái trở nên được khai thác rộng  rãi và đón nhận hơn : đó là thứ đã làm nên chủ nghĩa Tân cổ điển (neo-Classicism). Trong những biến đổi lớn về phong cách âm nhạc đó hoàn toàn không có nhiều mối liên hệ với Chiến tranh thế giới thứ nhất; chúng chỉ đơn giản là xảy ra trong cùng thời điểm. Cũng tương tự như vậy, nhiều nhạc sĩ tiên phong lỗi lạc của nửa cuối thế kỷ 20 như Bartok, Webern, Boulez hay Carter - đều dành phần lớn mối bận tâm với việc khám phá những hình thức - ngôn ngữ âm nhạc mới hơn là phản ứng lại những căng thẳng xã hội đang diễn ra.

Thậm chí nhà soạn nhạc Lutoslawski, người mà cuộc sống đã bị tác động ghê gớm bởi sự xâm lược của phát xít trên đất Ba lan, cùng với diệt chủng và sau đó là ảnh hưởng tiêu cực của Soviet, khẳng định một cách dứt khoát rằng âm nhạc của ông không liên quan gì tới những sự kiện cùng thời. Dù là chúng ta có thể cho rằng việc ông phủ nhận không mấy quan trọng, nhưng sự thật là ông mong muốn khán giả hãy hướng tới âm nhạc thuần túy trong các sáng tác, chứ không phải là những tuyên bố chính trị xã hội, một cảnh báo cần thiết cho chúng ta hãy cân nhắc trước khi tìm cách suy diễn các sáng tác âm nhạc dựa trên mối liên hệ với các sự kiện chính trị cùng thời. Dĩ nhiên là có rất nhiều nhạc sĩ, từ Elgar, Ravel cho đến Britten hay Penderecki đã sáng tác để tưởng nhớ những nạn nhân của chiến tranh và thảm sát. Nhiều nhạc sĩ đã phản kháng rồi phải lưu vong. Nhiều người mất đi cộng đồng, bạn bè hay thậm chí sinh mạng. Nên đương nhiên, những cơn địa chấn chính trị xã hội đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống âm nhạc. Hay nói cách khác. Nếu thế kỷ 20 vốn không biến động đến vậy, thì liệu những Stranvinsky, Bartok, Berg hay Stockhausen có những thành tựu vượt bậc như họ đã làm được trong vụ trụ này? Những viễn cảnh âm nhạc (về hình thức, những thành tựu) mà rồi thành sự thực đó, được thiết lập một cách chắc chắn bởi trí tuệ và tài năng riêng biệt của họ, đã sáng tạo ra những tác phẩm táo bạo và thuần khiết, phần nào độc lập với phân tích vuốt đuôi của những chuyên gia chính trị.     

Với những người đã xa cách với những bối cảnh gốc, và có cái nhìn về những sự kiện đã diễn ra trong thế kỷ 20 gián tiếp qua sách báo..., thì The rite of Spring từ năm 1913 dường như là lời tiên tri về những thảm họa thế kỷ sẽ xảy ra sau đó. Nhưng chắc chắn đó không phải là dự định ban đầu của Stravinsky cũng như diễn giải của những người cùng thời ông. Âm nhạc có thể mang tính cảnh báo, buồn thương, phản kháng hay ca ngợi và là tấm gương phản ánh thế giới bên ngoài theo cách riêng của nó - nhưng âm nhạc cũng đơn giản chỉ là âm nhạc. Và đó là đôi điều cần ghi nhớ nhất là trong giai đoạn kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất sắp tới, khi mà tôi sợ rằng gần như mọi sáng tác xuất hiện trong khoảng từ 1914 đến 1918 sẽ bị ép buộc phải mang vác những nội dung liên quan tới cuộc chiến đó. (Bài viết vào năm 2014-ND)  

Richard Morrison - phụ trách mục phê bình âm nhạc của The Times/ BBC music magazine số tháng 1/2014
Lê Long/ nhaccodien.info/vn dịch.

Chú thích của người dịch:

  1. * Ứng tác 31 của Kandinsky. Mặc dù tên khải là Hải chiến và sáng tác năm 1913 gần với Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng cũng như ý trong bài viết trên. Nghệ thuật của Kandinsky giống như một vũ trụ riêng, độc lập với thế giới thực, một vũ trụ với những nhu cầu và sức mạnh nội tại của riêng nó. Tranh ông là một thứ "âm nhạc của màu sắc và hình thể"
  2. ** Đoạn trong bài gốc (đã lược bỏ) - tác giả có nhắc đến các sự kiện của năm 2013, với hàng loạt các ngày kỷ niệm lớn của Wagner, Verdi, Britten... và kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ diễn ra năm 2014 và ý nghĩa, ảnh hưởng của cuộc chiến này...
  3. *** Southbank centre là quần thể văn hóa bên bờ phía Nam sông Thame. Nơi chức nhiều Festival lớn hàng năm. Festival of Britan tổ chức lần đầu năm 1951 ở đây