Sunday, November 10, 2019

Nghệ thuật Tiên phong Nga tại Vitebsk 1918-22

El Lissitzky - Proun
Thiết kế treo trên phố trong ngày lễ năm 1921
Bài viết gốc bởi Dimitris Lempesis, Lê Long lược dịch
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Pompidou

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 100 năm Chagall với tư cách là Ủy viên mỹ thuật vùng Vitebsk, thành lập Viện nghệ thuật mở cửa tự do cho tất cả mọi người .Các nghệ sĩ tiên phong hàng đầu Nga và Liên Xô, trong đó có  El Lissitzky và Kazimir Malevich  đã được Chagall mời về dạy, tạo nên một thời kỳ hoạt động nghệ thuật sôi nổi, biến trường học thành phòng thí nghiệm cách mạng.

Triển lãm "Chagall, Lissitzky, Malevich. Avant-Garde (Nghệ thuật tiên phong) của Nga ở Vitebsk 1918-1922" được tổ chức tại Trung tâm Pompidou năm 2018 đã lưu lại những năm tháng sau Cách mạng vô cùng hấp dẫn, khi lịch sử nghệ thuật được định hình ở Vitebsk, cách xa các trung tâm chính trị xã hội chính của Nga. Qua 250 tác phầm và các tài liệu, triển lãm tập trung vào 3 nhân vật mang tính biểu tượng: Marc Chagall, El LissitzkyKazimir Malevich bên cạnh các tác phẩm của giáo viên và sinh viên như Vera Ermolayeva, Nikolai SuetinIlya Chashnik. Sống tại Petrograd và chứng kiến cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917, tiếp nối là những đạo luật đã xóa bỏ phân biệt tôn giác và dân tộc, đã khiến Chagall lần đầu tiên cảm nhận được quyền công dân đầy đủ với tư cách là một nghệ sĩ Do thái. Bầu không khí đổi mới sau Cách mạng đã giúp ông bước vào thời kỳ sáng tạo ngây ngất, tạo ra nhiều kiệt tác. Mỗi bức tranh thời kỳ này đều như khúc tụng ca về niềm hạnh phúc của Chagall, như "Chân dung đôi với một ly rượu vang" (The Double Portrait with a Glass of Wine) 1917, hay "Bên trên thành phố" vẽ năm 1918 với hình ảnh 2 người đang yêu, Chagall và vợ ông là Bell, đang bay lên cùng những tầng mây, tự do như không khí. 

Marc Chagall, Bên trên thành phố, 1914-1918
Sơn dầu trên vải, 139x197 cm © Adagp-Paris 2018


Trái: Marc Chagall, Chân dung đôi với một ly rượu, 1917-1918, Sơn dầu trên vải, 235x137cm
Giữa: Marc Chagall, Bất cứ nơi nào trên thế giới, 1915-1919 © Adagp-Paris 2018
Phải: Marc Chagall, Phong cảnh lập thể, 1919, 100x59cm, Sơn dầu, màu keo (tempera), than trên vải. © Adagp-Paris 2018

Sau nhiều tháng, Chagall cảm thấy thôi thúc mong muốn giúp đỡ những người trẻ vùng Vitebsk, nhất là cộng đồng người Do Thái cũng có phần giống ông trước đây, thiếu một nền giáo dục nghệ thuật đầy đủ (Xuất thân trong gia đình lao động, Cha Chagall làm thuê cho hãng cá mồi và mẹ bán tạp hóa tại nhà) Khi mở cửa, trường của Chagall miễn phí cho tất cả mọi người, không giới hạn độ tuổi. Dự án của ông bao gồm cả việc tạo ra một bảo tàng, tất cả đều mang tinh thần Bolshevik, được Anatoly Lunacharsky (Chính ủy về giáo dục - Tương đương với Bộ trưởng) phê duyệt nhanh chóng vào tháng 8 năm 1918. Một tháng sau đó, ông tiếp tục bổ nhiệm Chagall làm Ủy viên Mỹ thuật vùng Vitebsk, giao ông tổ chức các hoạt động nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng tháng 10. Trong cuốn tự truyện "Cuộc đời tôi" ông đã viết: "Những con quái thú đầy màu sắc của tôi đã tung bay trong gió trên khắp các thành phố, nở rộ cùng cách mạng. Công nhân tiến bước trên phố, hát vang Quốc tế ca. Nhìn những nụ cười của họ, tôi chắc rằng họ hiểu nghệ thuật của tôi. Nhưng nhiều lãnh đạo cộng sản thì có vẻ không vui lắm. Tại sao con bò lại màu xanh? Tại sao ngựa lại bay trên trời? Tại sao, tại sao? Những thứ này liên quan gì tới Marx hay Lenin?"

Sau những sự kiện đó, Chagall tập trung toàn bộ tâm sức cho tạo dựng trường học của mình, và nó đã chính thức khánh thành ngày 28-11-1919. Chagall đã phải hết sức nỗ lực để duy trì hoạt động, không ít giáo viên đã đến rồi đi, như Ivan Puni, nhưng cũng có những nhân tố mới quan trọng như Vera Ermolayeva, người mà sau này trở thành hiệu trưởng, và quan trọng nhất là El Lissitzky, sau này phụ trách việc in ấn, thiết kế đồ họa và tổ chức các workshop về kiến trúc.Ông cũng đã hối thúc Chagall mời Kazimir Malevich - nghệ sĩ hàng đầu của Phong trào Trừu tượng, nhà sáng lập Chủ nghĩa Siêu việt (Suprematism). Malevich nhập hội từ tháng 11 năm 1919 và ngay sau đó tạo ra bầu không khí mới tích cực thu hút nhiều sinh viên.

Vị trí Vitebsk nằm ở phía Bắc Belarus (bên trên Minsk), Chagall sinh tại Liozna (1887) gần Vitebsk, dân số Vitebsk cuối thế kỷ 19 đến trước WWII có khoảng 66.000 người trong đó hơn 1 nửa là người Do thái.

Trái: Kasimir Malevich, Tinh thần tối thươợng (Supremacy of the Spirit), 1919, Sơn dầu trên ván gỗ , 55.6 x 38.7 cm, © Adagp Paris 2018
Phải: Nikolai Souetine,Tổ hợp (Composition), 1920, Sơn dầu trên vải, 45 × 32.5 cm, © Adagp, Paris 2018
Malevich nhanh chóng thành lập nhóm "Unovis" quy tụ các giáo viên hào hứng theo đuổi phong trào nghệ thuật mới. Nhóm bắt đầu thiết kế poster, tạp chí, các hình thức truyền bá nghệ thuật đủ loại như tờ rơi bảng biển cho đến cả tem phiếu, Chủ nghĩa Siêu việt nở rộ trong đời sống xã hội. Các thành viên của nhóm trở thành các nhà truyền bá tư tưởng trong các hội chợ, các tác phẩm của họ có mặt trên xe điện, mặt tiền công trình công cộng ở mọi nơi. Các hình vuông, hình tròn và chữ nhật đầy màu sắc xâm chiếm các bức tường và khắp các con phố. Chủ nghĩa Siêu việt Trừu tượng (Suprematist Abstraction) trở thành mô hình mới không chỉ gói gọn trong trường nghệ thuật. Lissitzky, vốn được đào tạo để trở thành Kiến trúc sư, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong toàn bộ quá trình kể trên. Series "Proun" phi thường của ông đã giúp đưa hình khối lên không gian vốn phẳng của các nghệ sĩ phái Siêu việt, ông xem loạt tác phẩm này của mình như là "những nhà ga chung chuyển nơi các bức tranh trở thành những công trình kiến trúc". Trong khi đó, Malevich bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho lý thuyết và giáo dục lý luận. Với tố chất của một nhà giáo có phương pháp và sức lôi cuốn, ông đã thu hút thêm ngày một nhiều sinh viên theo học, trong khi Chagall lại có phần cảm thấy bị cô lập và bị bỏ rơi.

Giấc mơ của Chagall là phát triển một thứ nghệ thuật cách mạng độc lập về phong cách: một thứ nguyên lý song hành giúp ông lấp đầy bảo tàng và tổ chức buổi triển lãm đầu tiên vào tháng 12 năm 1919, nơi trưng bày các bức tranh của Vassily KandinskyMikhail Larionov song hành cùng với các tác phẩm trừu tượng của Olga Rozanova. Nhưng với việc các lớp học dần thưa thớt đã chấm dứt giấc mơ kể trên của Chagall vào mùa xuân năm 1920. Chagall quyết định rời Vitebsk để tới sống ở Moscow, làm việc cho một nhà hát Do thái tại đó. Ông ra đi trong tâm trạng thất vọng sâu sắc, có phần ác cảm với Malevich với niềm tin rằng mình đã bị Malevich lập mưu chống lại. Sau khi Chagall rời đi, Malevic và tập thể Unovis, giờ đây chỉ với một nhà lãnh đạo, cùng nhau tiếp tục sáng tạo " xây dựng thế giới mới". Nhiều triển lãm tiếp tục mở ra tại Vitebsk và lan sang cả các thành phố khác, các ủy ban nghệ thuật được thành lập ở nhiều nơi, như các nhóm Unovis ở Smolensk, Orenburg và Moscow. Lissitzky cũng gia nhập sau đó, trở thành một phần quan trọng của phong trào Constructivism từ mùa Đông năm 1920.

El Lissitzky, Proun 1D - khoảng 1919. Sơn dầu trên vải. 71.6x96.1cm
 © Kunstmuseum-Basel, © Adagp, Paris 2018

Nội chiến kết thúc năm 1921-22 kéo theo ít nhiều thay đổi về chính trị. Chính quyền Soviet có xu hướng áp đặt hơn trong đời sống tư tưởng xã hội, các phong trào nghệ thuật không trực tiếp phục vụ lợi ích của Đảng không được khuyến khích và dần mất chỗ đứng. Đến tháng 5 năm 1922, khóa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên cũng trở thành khóa cuối cùng. Vào mùa Hè, Malevich rời đến Petrograd cùng một số sinh viên trung thành, nơi ông tiếp tục phát triển ý tưởng về Chủ nghĩa siêu việt thể tích (Volumetric Supermatism), xây dựng các mô hình kiến trúc Utopia, với tên gọi Architectones, cho ra các sản phẩm bằng gốm sứ. Qua nhiều năm, trường nghệ thuật nhân dân của Chagall đã dần trở thành một phòng thí nghiệm mang tính cách mạng để suy nghĩ lại về thế giới.


El Lissitzky và Kasimir Malevich - Chủ nghĩa siêu việt
Phác thảo rèm trang trí cho buổi Mít tinh về Thất nghiệp năm 1920.
Than chì và mực trên giấy. 49x62.5cm
© Tretyakov National Gallery-Moscow, © Adagp Paris 2018
Nikolai Souietine, Vitebsk. Toa xe với Dấu sách, Unovis, 1920
 © Adagp, Paris 2018
Vera Ermolaeva, Ý tưởng Trang trí sân khấu cho opera " Chiến thắng Mặt trời" 1920
Mực ấn độ, vẽ bằng bút trên giấy
Photo: © National Gallery Tretyakov-Moscow, © Adagp, Paris 2018
Lazar Khidekel, Tổ hợp siêu việt với hình vuông xanh, 1921
Mực, màu nước và than chì trên giấy. 18.4x18.4 cm
© Lazar Khidekel Family Archives and Art Collection-New York, Photo: © Lazar Khidekel Family Archives and Art Collection, © Adagp, Paris 2018
Trái: Ivan Kudriashov, Chủ nghĩa siêu việt. Ý tưởng cho thiết kế Nhà hát soviet đầu tiên tại Orenburg 1920 © National Gallery Tretyakov-Moscow, © Adagp, Paris 2018
Phải: Vassily Kandinsky, Moscow. Quảng trường Đỏ 1916, Sơn dầu trên vải. 51.5x49.5cm © National Gallery Tretyakov-Moscow, © Adagp, Paris 2018
El Lissitzky, Prounenraum, (Espace-Proun) 1923
Bản phục dựng năm 1971 của Jean Leering
320x364x364cm Chất liệu Gỗ sơn.
© Peter Cox, Eindhoven, © Adagp, Paris 2018
Marc Chagall, Tổ hợp với những hình tròn và con dê (Nhà hát Do thái quốc gia Kamerny), 1920. Chất liệu sơn dầu trên bìa các tông nhiều lớp trên ván dăm  © Adagp, Paris 2018
Bài viết gốc bởi Dimitris Lempesis, Lê Long lược dịch
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Pompidou

Wednesday, October 23, 2019

Phỏng vấn ROBH RUPPEL - 2D Artist Mag

BG final trong ZIMA BLUE
"Không có đường tắt. Tôi đã lấp đầy các cuốn sổ bằng hình vẽ bền bỉ hằng ngày, hằng giờ, và qua nhiều năm, đấy là phần "khó" nhất mà nhiều người đã bỏ qua. Bạn càng sớm ám ảnh với cái bạn đang làm, thì bạn càng sớm tới đích!"

Robh Ruppel (sinh năm 1963) có thể gần đây được biết đến với nhiều người hơn qua Spider-man: Into the spider-verse, 2 phim ngắn là Zima BlueSuits trong Love, Death and Robots do Netflix sản xuất... nhưng từ lâu ông đã có vị trí vững chắc trong giới, nổi tiếng ở vai trò art director với series game Uncharted của Naughty dog (các phần 2,3,4), phim Disney với Meet the Robinsons, Brother Bear... cũng như tham gia vào quá trình sản xuất của nhiều dự án đình đám khác. Dưới đây là bài phỏng vấn Robh Ruppel đăng trên 2D magazine số tháng 6 năm 2010, thời điểm sau thành công của Uncharted 2: Among thieves.

Dù bài phỏng vấn từ 10 năm trước, nhưng những quan điểm cốt lõi của Robh vẫn y nguyên, tiếp tục được củng cố qua các sản phẩm mới nhất như trong Zima Blue hay concept Spider-man, với xu hướng đề cao tạo hình mảng đặc, đề cao thiết kế đồ họa với tạo hình chắc khỏe giàu tính động...


Concept Uncharted 2
***
2DA: Xem qua portfolio của Robh, phần lớn sẽ đều ngạc nhiên bởi số lượng và sự đa dạng về thể loại cũng như cách thức thực hiện các tác phẩm của ông, bao gồm từ matte paintings, concept art, animation stills, phác thảo, các  tranh digital plein aire (các tranh vẽ ngoài trời… nhưng trên máy tính), fantasy art… và nhiều thể loại khác. Câu hỏi đầu tiên 2D artist dành cho Robh là về sự khởi đầu? Khi nào thì ông xác định được điều mình muốn và gặp những khó khăn gì để đạt được vị trí như hiện tại?

Tôi biết rõ mình muốn gì từ hồi...4 tuổi, khi đó mọi thứ rất rõ ràng, nhưng trong quá trình đi học phổ thông thì tôi lại bị nhiều thứ lôi cuốn, mỗi thứ một tí. Vì thế tôi đã học làm phim và hoạt hình ở trường Trung học về nghệ thuật trình diễn (High school for Performing Arts), và cả Kỹ thuật điện (Electrical Engineering), Tạo dáng công nghiệp và minh họa ở Đại học  (Industrial Design and Illustration). Kết quả tôi có khá nhiều kiến thức các thể loại nhưng khá vòng vèo.

Tôi nghĩ sẽ không gọi là khó khăn khi bạn muốn đạt được một thứ mà bạn luôn sẵn lòng dành thời gian cho nó. Không có đường tắt. Tôi đã lấp đầy các cuốn sổ bằng hình vẽ bền bỉ hằng ngày, hằng giờ, và qua nhiều năm, đấy là phần "khó" nhất mà nhiều người đã bỏ qua. Bạn càng sớm ám ảnh với cái bạn đang làm, thì bạn càng sớm tới đích!

2DA: Có vẻ như việc học của anh khá lòng vòng! Liệu đó có phải là lựa chọn chủ đích khi học nhiều các lĩnh vực khác nhau như vậy so với việc chọn đi theo đường thẳng, hay chỉ đơn giản là ngẫu nhiên? Liệu có nhiều bất lợi ko hay nhờ thế mà nó tạo nên phong cách nghệ thuật của anh như hiện nay?

Với tôi thì đấy là quá trình thanh lọc dần. Ở thời đó hầu hết mọi người đều không biết chắc mình có thể sống với nghề minh họa hay concept không. Đến giờ thì nghề này đã phổ biến hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn trước đó, ví như thời mà người ta làm Blade Runner thì làm gì có một team designer mà chuyên về concept art, phần lớn đều là góp nhặt từ nhiều lĩnh vực. Như với tôi thì ngành Kỹ thuật điện dẫn tôi đến với Tạo dáng công nghiệp và từ đó dẫn tới việc được học hình họa với Fred Fixler California Art Institute. Nhưng dù sao cũng có thể nói là nhờ học nhiều mảng khác nhau mà tôi mới được như bây giờ.

Concept thời đầu của SUITS (Một phim trong Love, death and Robots)

2DA: Uncharted 2: Among thieves, game mà anh làm Art director đã có được thành công lớn, anh thấy có gì đặc biệt khi thực hiện dự án đó? Anh có nghĩ về kết quả và thành công có thể có được không, kiểu như là "Cái này được đấy, chắn chắn dân tình sẽ ngã ngửa" hay là đơn giản đó chỉ là công việc hằng ngày?

Tôi chỉ có thể giải thích theo kiểu thế này, là việc đấy giống như bạn đang ở trong chiến hào giữa Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi đạn bay qua đầu và bom nổ tứ bề, bạn chỉ biết bắn trả nhưng không chắc mình đạt được những gì cho đến khi kết thúc  trận chiến, bạn thò đầu lên và nhìn thấy toàn bộ cục diện. Lần đầu tiên tôi cảm thấy được tiềm năng sản phẩm của mình là khi tôi chơi thử một game tương tự khá nổi khi đó và nhận ra rằng game mình đang làm tốt hơn hẳn". Tôi không thể tiết lộ đó là game nào, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thiện hết mức có thể mọi thứ cho đến khi thực sự thấy được kết quả tổng thể.

2DA: Trong thực tiễn, anh tham gia cụ thể vào công đoạn nào của dự án? Anh có trực tiếp tham gia thiết kế hay đơn thuẩn là quản lý cả đội? Và giờ nhìn lại thì có phần nào mà anh đặc biệt thấy tự hào hoặc muốn thay đổi?

Có hàng tỉ thứ tôi muốn thay đổi, nhưng hầu như dự án nào chả vậy. Hitchcock thường nói là ông chỉ làm được 50% những gì ông hình dung ra. Tôi thì thuộc diện lead kiểu trực tiếp làm cùng. Nếu bạn xem quyển tổng hợp Artwork của Uncharted 2 do Ballistic phát hành thì sẽ thấy những hình tôi vẽ đủ loại và trải khắp, từ concept chi tiết cho đến phác thảo và matte painting.

Concept trong Uncharted 2
2DA: Về trang blog cá nhân của anh: Broadview Graphics. Nó đã được ra đời thế nào?

Đó là một câu chuyện thú vị. Tôi và một anh bạn cùng than vãn là mất bao lâu để vẽ xong một bức tranh hoàn chỉnh với chất lượng tốt. Chúng tôi cho là sẽ đơn giản hơn nhiều nếu theo phong cách đồ họa phẳng nên tôi bắt đầu thử nghiệm. Tôi luôn yêu thích phim noir* và Raymond Chandler** nên tôi đã nghĩ ra dòng tiểu thuyết trinh thám của riêng mình. Điều tuyệt nhất của việc này là nó khiến tôi phải tập trung vào khía cạnh design tốt hơn nữa. Khi bị tước đi chiều sâu, phải làm việc chỉ với mảng phẳng bạn buộc phải tập trung toàn bộ vào design hình đen (silhouette shape) và phải ý thức cao về tạo hình mảng lớn hơn tất thảy. Đó là khía cạnh cực kỳ quan trọng nhưng thường bị che phủ bởi rất nhiều yếu tố khi hoàn thiện. Về cơ bản là nếu mảng đặc đủ thú vị dù chưa hề có khối hay chi tiết bề mặt thì nó sẽ vẫn ít nhiều giữ được sự thú vị đó xuyên qua mọi lớp chi tiết mà bạn thêm vào sau đó.

* Phim Noir: thể loại phim tội ác, phát triển mạnh giai đoạn 1940, 1950, với nội dung tập trung vào thái độ hoài nghi và các động cơ tính dục. Phim noir đặc trưng với không khí u tối, hình ảnh đen trắng tương phản mạnh mang tính biểu hiện gần với Chủ nghĩa biểu hiện Đức trong điện ảnh_ND

** Raymond Chandler: Tiểu thuyết gia người Anh-Mỹ, trở thành nhà văn trinh thám từ năm 44 tuổi sau khi mất việc tại công ty dầu mỏ trong giai đoạn Đại Khủng hoảng. Ông là người có tầm ảnh hưởng và là sáng lập viên của trường phái trinh thám Hardboiled (thể loại điển hình với mô típ nhân vật thám tử trong bối cảnh bạo lực có tổ chức giai đoạn Thời kỳ Cấm rượu (1920-1933), thường phải đối phó với cả hệ thống pháp luật suy đồi cũng gần như một tổ chức tội phạm..._ND   


Anh có dự tính điều gì sắp tới dành cho Broadview Graphics ko? và liệu có ngày nào chúng tôi được thấy cuốn tiểu thuyết trinh thám của anh xuất hiện trên kệ sách?

Một nhà phát hành mà tôi rất coi trọng đã tiếp cận và phát triển nó thành một dự án xin đầu tư. Chúng tôi đã trau truốt hoàn thiện kịch bản của nó rất kín kẽ. Chúng tôi đã chào mời khắp nơi nhưng không ai thực sự hứng thú có lẽ do nó hơi khác biệt. Tôi đã làm việc với một nhà xuất bạn về hướng làm sách digital và họ muốn làm một cuốn với nội dung là những thứ như trên trang Broadview. Tôi đã dành toàn bộ lễ Tạ ơn và dịp Giáng sinh để viết ra câu chuyện chi tiết và vẽ thêm hình minh họa. Nhưng dự án đã bị hủy chỉ một tuần trước ngày dự định xuất bản... đã khiến tôi khá thất vọng, ít nhất trong một ngày.

Một tranh trong cuốn GRAPHIC L.A.

2DA: Trong mô tả về bản thân của anh có ghi là anh đã 253 tuổi? là lỗi gõ phím hay là thực vậy? Và những phim yêu thích của anh bao gồm loạt 007 do Sean Connery thủ vai, The Incredibles và The Piano, khá đa dạng? Anh có muốn chia sẻ gì không?

À vâng, anh làm tôi nhớ lại những ngày lễ Tạ ơn mà tôi đã từng có với người Da đỏ, tưởng như mới hôm qua thôi vậy (Cười lớn). Đùa chứ, kể tên 100 bộ phim yêu thích là một thách thức với tôi. Sản phẩm có chất lượng nghệ thuật cao thì có ở mọi lĩnh vực và tôi thì thích phim sci-fi cũng như kính nể những đạo diễn như Ernst Lubitsch, Hal Ashby, Brad Bird, Andrew Stanton, Pete Docter, Coppola, Kubrick, Hitchcock, John Ford, Orson Welles... và danh sách còn dài nữa. Các họa sĩ tôi ngưỡng mộ thì cũng đa dạng lắm, từ Morgan Weistling, Frank Bramley, Stanhope Forbes và kể cả những gương mặt mới như David Jon Kassan hay Robert Ferri. Không thể bỏ qua những cái tên đã quá quen thuộc như Sargent, Payne, Caravaggio, Church... vân vân.

2DA: Vâng chắc chắn anh là người thích xem phim rồi vậy phim nào có ảnh hưởng nhất với anh theo hướng trực tiếp tới những gì anh sáng tạo ra?

Xét về khía cạnh truyền cảm hứng thuần về mặt tạo hình thì đầu tiên phải kể đến 2001: A space OdysseyBlade Runner. 2001 vì hiệu ứng hình ảnh, cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Nó rất "thực" và trong khi hiệu ứng hình ảnh hiện giờ tinh xảo hơn rất nhiều ngày đó, thì đôi khi cũng vẫn thiếu tính thống nhất so với 2001. Ở vài khía cạnh thì Blade Runner thực sự đột phá. Thiết kế hình ảnh về tổng thể cho đến giờ vẫn đẹp một cách đáng sợ. Chúng được tạo ra như những bức tranh bậc thầy và mang vẻ đẹp phi thời gian.

Concept cho TRON Uprising
2DA: Tôi đã đề cập đến tính đa dạng trong tranh của anh và tôi đã thấy cả những bức phác thảo vẽ trên Iphone của anh?!... Vậy khi hầu hết các nghệ sĩ khác tìm cách gắn với 1 hoặc 2 phong cách, anh dường như muốn làm mọi thứ cùng lúc. Anh có thể chia sẻ một chút về kỹ thuật và vài mánh khóe mà anh hay sử dụng ko? Như kỹ thuật "Sight-Size" - Cụ thể là thế nào?

Sight-size thì tồn tại cũng lâu rồi. Ý chính của nó là bạn đặt vật mẫu và tranh bạn vẽ ở khoảng cách tương đối gần nhau với cùng tỉ lệ và rồi so sánh trực tiếp từng mảng miếng hoặc sắc độ kề nhau. Sargent làm việc theo cách này và góp phần giúp tranh ông lôi cuốn và sống động. Nó thực sự giúp tạo ra ảo ảnh trước mắt bạn. Có nhiều trang web hay sách về chủ đề này; Tôi thấy một số cuốn của Darren Rousar khá sâu cũng như Richard Whitney, người mà tôi đã gặp ở New Hamsphire khi còn sống ở đó.

Tranh tromh series GRAPHIC L.A
Về "mánh khóe" tôi nghĩ đúc rút từ cuộc sống thật là mánh đỉnh nhất. Câu trả lời thực sự là; đừng sao chép concept của một gã mà vốn sao chép concept của một gã khác. Hãy tự đặt mình trước cuộc sống và tự tìm đường riêng. Nó không dễ dàng và sẽ tốn kém (nguyên vật liệu hay thời gian) nhưng đó mới là câu trả lời đích thực. Tìm kiếm trong đời thực. Học cảnh chuyển tải tất cả sự phức tạp ngoài thiên nhiên lên 10 đến 5 sắc độ chính. Khi đó bạn sẽ khám phá ra tính chân thực của bản thân và phát triển thế giới quan của riêng mình.

Okay, câu hỏi cuối: Nếu có một lời khuyên duy nhất cho anh em artist khi muốn vào ngành thì sẽ là gì?

Câu này tôi nghĩ đúng với tất cả những ai muốn làm việc chuyên nghiệp dù ở lĩnh vực nào đi nữa. Yêu cái bạn đang làm, làm việc chăm chỉ với thái độ tốt và bền bỉ. Nghệ thật thì khó và rất dễ nản - Tôi cũng như vậy thôi - nhưng bạn không thể từ bỏ. Bạn phải tự khiến nó trở nên quan trọng.

Nguồn ảnh:
https://www.artstation.com/robh_ruppel_design
http://broadviewgraphics.blogspot.com/

PV bởi: Jo Hargreaves
2D Artist Magazine Issue 054 June 2010

Lê Long lược dịch.

Tuesday, September 17, 2019

Yêu sản phẩm quá mức, tự đề cao giá trị bản thân một cách cực đoan có nên ko?




Với câu hỏi kể trên, thì câu trả lời là : QUÁ NÊN Ý CHỨ!

Trước đây thì mình vẫn nghĩ là hại nhiều hơn lợi, vì thứ nhất là dễ tự ái và tổn thương khi nhận góp ý phê bình, thứ 2 là khó team work, dễ bị đồng nghiệp ghét hay khó tìm được cv ưng ý…  cái lợi chỉ là giúp bạn duy trì việc vẽ đều đặn bởi nếu vẽ ra cái gì cũng cảm thấy xấu tệ thì chắc chắn là chỉ sớm bỏ cuộc

Nhưng gần đây thì mình thấy những nhận định trên sai bét, qua một vài trường hợp đã hóng từ lâu mà gần đây mới chắc chắn về mặt thông tin, đủ để mình khẳng định rằng:
TỰ ĐỀ CAO BẢN THÂN ĐẾN CỰC ĐOAN là VÔ CÙNG CÓ LỢI, quá có lợi, hay chí ít là LỢI NHIỀU HƠN HẠI.

Khẳng định xanh rờn như thế cho đỡ buồn ngủ, còn cụ thể thì cũng phải có chút ĐIỀU KIỆN CẦN VÀ ĐỦ, ấy là nếu trình độ vẽ ở mức dưới trung bình, thì ảo tưởng sức mạnh chỉ dễ hút gạch đá và gây tổn thương cho chính mình dẫn đến việc vẽ bị gián đoạn…

Còn nếu trình độ của bạn đã bắt đầu ở mức trung bình hoặc qua trung bình 1 tẹo, nghĩa là hình họa cũng tạm ổn, màu sắc ok và dù sao thì tranh bạn vẫn đủ độ hoàn thiện, có thể nhiều phần lem nhem dang dở nhưng đủ để coi đấy là bố mày thích thế hay art nó phải vậy… thì như thế là đủ điều kiện để bắt đầu thực hành TỰ ĐỀ CAO BẢN THÂN MỘT CÁCH CỰC ĐOAN và chờ ngày hái quả (xoa xoa tay)…

Đấy có thể coi là đạt điều kiện cần, còn ĐIỀU KIỆN ĐỦ là vẽ đều và nhiều, bền bỉ và trơ mặt là một yếu tố vô cùng quan trọng mang lại giá trị tích lũy. Kèm với đó nên rải tranh ở nhiều hội nhóm hay diễn đàn, tham gia các giải nhỏ lẻ ao làng ở vùng xa (giải cỡ cấp huyện trở lên mà có giám khảo uy tín thì ko nên, chỉ nên tham gia các giải mà like với vote của số đông chiếm ưu thế trong định đoạt kết quả)…

Thực tế cho thấy là rất nhiều tấm gương sáng ngời về trình độ có hạn, tư duy lệch lạc nhưng đã dần thu hút được một lượng fan thiếu chính kiến hùng hậu nhờ ảo tưởng bản thân, thậm chí một đôi lần rạch mặt ăn vạ vì cái tôi vĩ đại bị xúc phạm càng khiến cho nhiều người tin rằng đây đích thị là một nhân cách lớn vượt thời đại. (Đừng hiểu lầm ý mình, điều này hoàn toàn là dấu hiệu tốt :)), đơn giản là hãy nhìn vào cơ hội chứ ko phải vào khía cạnh tiêu cực)

Đấy là ở khía cạnh danh tiếng gây dựng từ mạng xã hội mà like + view với một vài trường hợp có thể phần lớn đến từ cộng đồng không chuyên, hết sức đa dạng từ các e học sinh cấp 2,3 cho đến các anh chị làm văn phòng quá tuổi để theo đuổi giấc mơ học vẽ. Thế còn Việc tự đề cao bản thân trong môi trường làm việc chuyên nghiệp thì sao?



Hình minh họa ở trên là artwork mình vẽ khi còn làm ở cty game cũ, đây là một game khá thành công, bởi game play có chiều sâu và hệ thống support rất tận tâm (ko biết mô tả thế nào về khía cạnh này :p), còn xét riêng khía cạnh hình ảnh, đây cũng là game có phần hình ảnh trau truốt và chất lượng nhất trong lịch sử của cty. Ảnh hưởng về hình ảnh từ game của Supercell là khá rõ, chủ đề cũng khá gần gũi nhưng hoàn toàn có thể tự hào vì trong map VN thì vẫn chưa có nhiều game có độ hoàn thiện tốt được như thế này. Thực tế để vẽ ra được vậy cũng ko phải vấn đề, mình biết có rất nhiều artist có thể design và render tốt ko kém hoặc hơn, nhưng cái họ ko có được là một đội ngũ coder, game design… có đầu óc và làm việc ăn ý gắn kết với quyết tâm cao từ đầu đến cuối, thống nhất dưới định hướng của người đứng đầu cty có thể làm yên lòng chủ đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án…

Dài dòng 1 chút để tóm lại là, hình ảnh game kể trên ko mới hay quá sáng tạo, giá trị của game được chia sẻ đồng đều nhờ công sức của toàn bộ các team từ game design, code, art… thế nhưng mình khá ngạc nhiên khi biết được lead art của game này, cũng từng là đồng nghiệp và học trò của mình, lại quá đề cao vai trò của bản thân trong việc nghĩ rằng bạn ý là nhân tố chính giúp game thành công theo kiểu như tin rằng người ta sẽ xuống tiền vì nhân vật đẹp chứ ko phụ thuộc vào chỉ số…?!. Ngạc nhiên hơn nữa là bạn này luôn nghĩ rằng mình đã sáng tạo ra một thứ gì đó mới mẻ và nguyên bản mang đặc trưng riêng, trong khi kết tội tùy tiện, một cách rất cảm tính thành viên khác trong team art là sao chép trắng trợn để hạ thấp họ.

Khi bạn nhận quá nhiều về mình, thái độ và hành động bất nhất, thiếu sự thông cảm, động viên, thậm chí kẻ cả, ra vẻ như người có quyền ban phát mà lại ko phải là người trả tiền thực sự, thì liệu mọi người có sẵn lòng cống hiến cho sản phẩm tinh thần chỉ của riêng bạn?

Với tinh thần kể trên, bạn này đã tạo ra một không khí team work tuyệt vời, khi mà những người làm ít nói nhiều (nịnh bợ) thì tung tăng nhảy nhót, trong khi người làm được việc và có chính kiến thì lần lượt ra đi. Kết quả là group chat công việc trở thành nơi nịnh leader, nói xấu và dìm hàng những người "cũ" hoặc đùa cợt vô nghĩa, kiểu như bộ ba các bạn nhìn nhau thủ dâm trong lúc nói xấu người cũ như cách làm tăng khoái cảm :v, trong khi những người muốn tập trung làm việc sẽ ko muốn quan tâm.

Dĩ nhiên đây chỉ là câu chuyện được kể 1 chiều từ phía mình, nhưng cái kết quả mà người làm được việc lần lượt ra đi trong khi nhân tố mới thì ko thấy đâu, người có trách nhiệm thì né tránh ko muốn liên quan, và leader vĩ đại (của một cái team bé xíu và tản mát) phải thường xuyên gánh việc vì những người chuyên nịnh bợ thì phải dành sức để ton hót thay cho đóng góp thiết thực. Và cái mình thấy đáng khâm phục là ở chỗ bạn ý đã thực sự có tài và tâm huyết để leo lên được trên vai của người khổng lồ (là cty nọ) nhưng có thể nhanh chóng lầm tưởng mình là siêu nhân tự bay được.

Nếu ai có thể đủ kiên nhẫn đọc được đến đây, thì sẽ nhận ra đây thực ra là một note dành để nói xấu đồng nghiệp/ học trò cũ, cơ mà đồng thời thì mình vẫn ko xa rời với ý chính nêu ra ban đầu đâu.
Vì thật lòng mà nói, mình sẽ ko chửi các bạn này là ngu, thiển cận hay khẳng định kiểu làm việc trẻ con của các bạn sẽ chịu "hậu quả" theo cách này hay cách khác. Vì thực tế ko là như vậy.

Thực tâm 100% mình vẫn xin khẳng định là, dù bạn có khắm vãi lờ như VD mình vừa kể, thì chắc kèo là cơ hội thành công của bạn vẫn rất lớn, quá lớn là đằng khác, vì quan trọng là bạn còn trẻ, bạn có kỹ năng và thẩm mỹ tốt, có kiến thức bài bản và chắc chắn (nhân tiện quảng cáo là 1 phần do đã từng học mình nhé :v). Vì với nhu cầu hiện tại, thì có vẻ như thế là quá đủ, mình cũng đã chứng kiến nhiều bạn có khả năng tốt, nhưng làm việc vô trách nhiệm và hời hợt, nhưng vẫn ko bao giờ mất đi cơ hội việc làm với niềm hy vọng từ nhà đầu tư mới (thậm chí cả cũ) dù quá khứ của bạn có gắn với bê bối hay toàn dự án thất bại chăng nữa.
Bởi vì có vẻ như đơn giản cộng đồng này nó thế, tuy rất nhỏ, đôi khi cũng có ít nhiều lùm xùm vì sự việc này kia nhưng rồi tất cả đều rất dễ quên, và người ta lại sẵn sàng trao cho nhau nhưng cơ hội mới với tình thân mến như chưa hề có cuộc chia ly.

Với niềm tin như vậy, nên mình khẳng định là những trường hợp kể trên chắc chắn đáng học hỏi, và khẳng định lại là miễn bạn có khả năng trên trung bình trở lên, thì hãy tự tin mà cực đoan chảnh chó với đời, đề cao giá trị của bản thân đến mức ảo tượng sẽ là điều tốt, bởi vì nó chỉ mang ích lợi mà thôi.

PS: Cũng với niềm tin đấy nên mình đã cao hứng viết note này :)) vì cũng tin là sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra với mình cả, vì ko chỉ có trình độ trên trung bình một tí, có kỹ năng và thẩm mỹ tốt, có kiến thức bài bản và chắc chắn như bạn gì kia, mình còn hiểu chuyện, biết im lặng đúng lúc và luôn tôn trọng và cảm thông… vậy thì chắc chả đến nỗi phải nhận hậu quả gì đâu nhỉ… hoặc ko? :p

Thursday, March 14, 2019



Bài viết về Shostakovich và Giao hưởng số 7 "Leningrad" trên mục MUSIC của tạp chí TIME,  July 20,1942. Trang bìa với hình ảnh Shostakovich trong trang phục "lính cứu hỏa". Lên sạp khoảng 1 tuần trước ngày Công diễn Bắc Mỹ 19-7 bởi nhạc trưởng Toscanini cùng Dàn nhạc giao hưởng đài NBC. Buổi studio concert được phát sóng trực tiếp trên toàn nước Mỹ.

Bài viết khá hấp dẫn, thú vị và chuyên nghiệp ở góc độ xử lý và truyền tải thông tin (phần nhiều trong số đó là không thật sự chính xác và mang tính chủ quan), dù sao cũng rất đặc trưng với góc nhìn từ nước Mỹ. Quan điểm về Tác phẩm và tác giả Shostakovich có phần mỉa mai, ngờ vực (do thiếu cái nhìn toàn diện cũng như trải nghiệm sâu với các sáng tác đa dạng của Shostakovich)


***

SHOSTAKOVICH VÀ HỌNG SÚNG:

Ngạn ngữ Nga có câu: “Khi súng đạn lên tiếng, thì nàng thơ phải lặng im”
Thế nhưng vào mùa Đông vừa qua, khi tiếng pháo của quân Đức đang gầm thét, Shostakovich đứng quan sát trên nóc Nhạc viện Leningrad với vai trò người báo cháy nói: “Đây là lúc nàng thơ sẽ lên tiếng cùng đại bác”

Chiều CN này nước Mỹ sẽ được nghe thấy bằng chứng của anh, dù bằng chứng này đã tồn tại 25 năm rồi: Máu chảy như suối và khô lại thành băng trên thềm của Cung điện mùa Đông. Cận vệ Đỏ bước qua những xác người và máu đã đóng băng, xuyên qua các  lớp rào và cửa chắn. Khi những âm thanh cuối cùng của cuộc tấn công lịch sử đã dứt, khi những vết tích cuối cùng của chế đỗ cũ đã bị ném vào “sọt rác của lịch sử” (theo cách nói của Bolshevik). Nước Nga của những Sa hoàng, của nghi lễ Byzantine, của các thầy tu điên và roi da Cossack, của hỗn loạn và vô năng, đã quỳ gối trước báng súng, gục ngã dưới chân nước Nga của giai cấp vô sản, của công nghiệp hiện đại, của nền độc tài xã hội chủ nghĩa. Thời khắc đó là tháng 11 năm 1917, Năm thứ nhất của CM Nga.

Hình minh họa đăng trong bài viết

Đó cũng là năm thứ 11 trong cuộc đời của câu bé thuộc gia đình tư sản đang bị kích động với khuôn mặt tái nhợt, khi bám chặt tay người giúp việc trên đường phố Petrograd hỗn loạn. Người hầu nói với cậu: “Đây chính là cách mạng, Mitya”. Dimitri Shostakovich trẻ tuổi chỉ biết nhìn chằm chằm và nắm chặt lấy gấu tạp dề của người giúp việc. Nhưng những gì cậu nghe và thấy đã được suy ngẫm trong đầu óc sớm phát triển của cậu. Một lần khi đã an toàn ở nhà, cậu ngồi xuống và sáng tác 2 khúc nhạc: Hướng tới tự doHành khúc tang lễ cho Nạn nhân của cuộc cách mạng. Một thần đồng trước một sự kiện kỳ dị của lịch sử.

Vào chủ Nhật này, một chương chình đặc biệt của Dàn nhạc giao hưởng NBC sẽ được phát sóng (lúc 4.15 đến 6 pm E.W.T) mang đến cơ hội đầu tiên cho khu vực Tây bán cầu được nghe nàng thơ Marxist của Shostakovich lên tiếng, nay đã thêm 25 tuổi, qua bản Giao hưởng số 7, tác phẩm lớn nhất, đòi hỏi dàn nhạc quy mô nhất của nhạc sĩ - tác phẩm mà anh đã viết trong “tour du lịch” từ nghĩa vụ đào hào đến báo cháy trên nóc Nhạc viện.

Kể từ buổi diễn đầu tiên vở Parsifat (năm 1903) ở Manhattan cho đến giờ mới có một tác phẩm âm nhạc khiến người Mỹ trông mong đến vậy.
...
VỀ BẢN GIAO HƯỞNG: 
Được viết dành cho dàn nhạc khổng lồ. Giao hưởng số 7 của Shostakovich không phải là một sự mô phỏng chiến trận trắng trợn, mà là diễn giải bằng âm nhạc của một người Nga về chiến tranh. Xét một cách nghiêm khắc, nó giống một tổ khúc giao hưởng hơn là một bản giao hưởng. Như một con rắn khổng lồ với vết thương trên mình, trườn bò chậm rãi, kéo lê thân thể lòng thòng của nó đi qua 80 phút cùng dàn nhạc. Có rất ít sự phát triển từ những chủ đề táo bạo và trần trụi. Dường như  tác giả cũng không có ý định làm giảm bớt đi sự lỏng lẻo của tác phẩm, đôi khi cấu trúc xương của tác phẩm được nén lại về với cấu trúc giao hưởng cổ điển thông thường.

Thứ âm nhạc rất vô định này chính là sự biểu đạt cái hỗn loạn vô định hình của nước Nga trong chiến tranh. Chủ đề lúc thì hân hoan, khi thì thống khổ. Cái chết và sự chịu đựng ám ảnh nó. Nhưng giữa những đợt bom rắt réo ở Leningrad, Shostakovich cũng đã nghe thấy âm thanh của chiến thắng. Trong chương cuối của bản giao hưởng, dàn kèn đồng tiên báo cái mà Shostakovich mô tả là “chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của nhân tính trước bạo tàn”

Phần lớn tác phẩm là tính chất anh hùng, điều thấy hầu hết trong 27 phút của chương 1. Giai điệu mở đầu giản đơn, gợi nhắc về sự yên bình, cuộc sống thường nhật hay hy vọng, bị cắt ngang bởi chủ đề chiến tranh, vô cảm, tàn bạo. Để có được hiệu quả này, Shostakovich viện đến một mẹo: gõ bằng mặt sau của vĩ kéo violin, làm nên một nét nhạc mà có thể liên tưởng đến các show múa rối. Tiếng trống nhà binh ban đầu rất khẽ, sau lớn dần lên, được nhắc lại 12 lần trong khoảng 12 phút  tiệm tiến. Chủ đề không hề phát triển mà chỉ đơn giản tăng dần về âm lượng như Bolero của Ravel; được tiếp nối bởi một đoạn chuyển trữ tình như khúc nhạc thánh ca cho nạn nhân của chiến tranh.

Trong những sáng tác gần nhất của Shostakovich, ta thấy dấu vết của Beethoven, Berlioz, Rimsky-Korsakov, Mahler, hay từ nhạc sĩ hiện đại như Poulenc và Busoni. Giao hưởng số 7 được mô tả bởi những người đã được nghe, như là phiên bản Nga hiện đại của Symphonie Fantastique của Berlioz. Nó cũng có thể được coi như nhạc nền của một thước phim tài liệu tâm lý về nước Nga ngày nay.

Ảnh đăng trong bài viết, về việc Toscanini đã "hớt tay trên" Koussevitzky
giành quyền chỉ huy buổi công diễn bản Giao hưởng số 7

Về nhạc sĩ:
Cha Shostakovich là một kỹ sư. Mẹ anh, là một sinh viên Nhạc viện St. Petersburg (nay là Leningrad), tin rằng con mình không nên học nhạc trước 9 tuổi vì sợ cậu bị mất đi nhạc cảm. Nhưng Shostakovich dường như nghĩ khác.

Khi lần đầu được dẫn đi xem Tsar Sultan của Rimsky Korsakov khi mới 5 tuổi. Dù chỉ mới nghe một lần nhưng cậu đã có thể hát lại một đoạn dài theo các aria trong vở diễn bằng trí nhớ. Đôi khi câu ngồi trước đàn, đánh một hợp âm và nói: “Đó là những vì sao”. Đôi khi cậu đánh những nốt cao và nói: “Đó là người đang kiễng nhìn qua cửa sổ”. Ở tuổi 13, cậu vào học Nhạc viện Leningrad. 19 tuổi, câu sáng tác Giao hưởng đầu tiên (một trong những sáng tác phổ biến của cậu) cũng chính là bài tốt nghiệp.

Trong hơn 80 năm âm nhạc Nga đã chịu ảnh hưởng mạnh của “Nhóm 5 người” phần lớn nghiệp dư. Đối nghịch với họ là phong cách quốc tế của Tchaikovsky, “nhóm 5” tin rằng dân ca Nga là nguồn cung cấp chất liệu cho âm nhạc hiện đại. Igor Stravinsky tiếp tục truyền thống dân tộc này, dù sau đó ông đã từ bỏ để theo đuổi sự trừu tượng khắc khổ hơn.

Cách mạng Nga hủy hoại nhiều thứ, nhưng nó đã không làm tổn hại di sản âm nhạc dân tộc này. Shostakovich thừa nhận mình mắc nợ “Nhóm 5”, Nhưng anh đã đi quá xa với chủ nghĩa chiết trung để bám lấy tính dân tộc. Anh cũng là con người của cách mạng, bằng việc sáng tác Giao hưởng số 2 với tiêu đề Tháng mười (kỷ niệm sự kiện CM tháng 10), số 3 với tiêu đề Ngày lễ lao động (May Day).

Shostakovich trong vai trò đội viên Báo cháy
Ảnh chụp ngày 29-7-1941
Cả 2 đều không đủ hấp dẫn và đại chúng như bản số 1; đã khiến anh chuyển sang ballet và opera châm biếm. Vở “Lady Macbeth of Mzensk” là một kiểu âm nhạc giải trí cuối tuần, về cuộc sống nơi thôn quê thời kì nước Nga Sa hoàng. Cuộc sống quanh năm bị chôn vùi tại Mzensk, sống mà như chết, nữ chính đã gây ra 3 vụ giết người  để giải tỏa sự chán nán. Vở opera Soviet đầu tiên - Lady Macbeth trở thành hiện tượng, với hơn 200 buổi diễn tại Leningrad và Moscow. Ở Mỹ, khi nó xuất hiện năm 1935, bị coi là suồng sã, ồn ào, thô tục và hỗn tạp của đủ các thể loại âm nhạc. Dù vậy, Lady Macbeth of Mzensk hấp dẫn nhiều nghệ sĩ bởi sức sống, sự sắc sảo trong âm nhạc đặc trưng, phối khí đỉnh cao.

Và nó cũng gần như hủy hoại nhạc sĩ Shostakovich. Ở  đỉnh điểm của Đại Thanh Trừng, khi người Nga run rẩy trong sợ hãi bởi số người bị quăng vào tù  như đám rùa rơi xuống ao. Stalin quyết định đến buổi diễn Lady Macbeth. Ông ta không thích nó, bỏ về trước khi hạ màn. Giết người vì buồn chán với ông là một ý tưởng của tư sản. Ngoài ra, gu âm nhạc của Stalin khá đơn giản, ưa thích giai điệu dễ nghe, đâu đó giữa giao hưởng Anh hùng của Beethoven và Rigoletto của Verdi. Chưa hết, ông còn ngồi ở vị trí bên trên bộ đồng nữa.

Đáp lại, một bài báo trên Pravda gọi âm nhạc Shostakovich là “Phản Soviet, độc hại, rẻ tiền, kỳ quái và leftist (phi điệu tính)”. Vài ngày sau bài báo, Pravda tiếp tục tấn công vở ballet cũng của anh, The Limpid Stream. Bạn bè sợ rằng tác phẩm tiếp theo của Shostakovich sẽ là “Stone walls do not a Prison make”. Nhưng nhạc sĩ Shostakovich đã không phải là một nhà cách mạng chẳng vì lẽ gì. Anh công khai đồng tình với bài báo, rằng Pravda hiểu âm nhạc của anh hơn anh rồi lập tức rút lại Giao hưởng số 4 (cho đến giờ nó vẫn chưa từng được diễn) sau chỉ một buổi diễn tập. Anh tuyên bố rằng sẽ chứng tỏ sự thay đổi trong Giao hưởng thứ 5.

Đơn giản, lãng mạn, hoàn toàn theo truyền thống giống như trật tự mới ở Nga, Giao hưởng số 5 khôi phục vị trí cho Shostakovich. 2 năm sau Giao hưởng số 6 giúp anh thăng tiến xa hơn. Bên ngoài Nga, người yêu nhạc có phần khắt khe hơn nhưng vẫn bị thuyết phục bởi Giao hưởng số 5 và 6 của Shostakovich bởi tính chất tự nhiên, sáng tạo và trang trọng...

Shostakovich trên khán đài

Bia và bóng đá:
Ngày nay nếu bắt gặp Shostakovich lần đầu, sẽ thấy anh có phần ngại ngùng, nghiêm túc, uyên bác. Nhưng ở các cuộc vui giữa những người bạn nghệ sĩ, anh thoải mái, vui đùa, uống rượu tới bến. Anh cũng thích ô tô, lái xe nhanh, thích tạp chí Mỹ, thích đọc những tác giả Mỹ vốn phổ biến ở Nga như Mark Twain, Jack London, Thodore Dreiser, Upton Sinclair. Là một người thành thị chính hiệu, anh không ưa Dachas (nhà nghỉ thôn quê) và Muỗi

Trước khi quân Đức gây chiến, Shostakovich sống trong căn hộ 5 phòng ở chung cư Leningrad với đại gia đình (gồm vợ, 2 con, mẹ, chị và cháu trai) với núi bản thảo, sách về âm nhạc và thể thao.

Là một fan bóng đá cuồng nhiện, Shostakovich thường xuyên theo dõi tờ Red sport, như lời anh chia sẻ:
“Cao trào của cuộc vui không phải là khi bạn viết xong một giao hưởng mới, mà là khi gào khản giọng, với 2 tay mỏi rời vì vỗ, miêng khô kiệt vì hò hét và uống một hơi bia cùng 90000 khán giả sau chiến thắng của đôi nhà”
Dù sự thật là nó không thỏa mãn anh được như bóng đá, bất chấp cấu trúc lỏng lẻo và giai điệu đôi khi tầm thường, Giao hưởng số 7 có lẽ là tác phẩm trưởng thành nhất về mặt cảm xúc của Shostakovich, chắc chắn là một trong những tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất của anh. Nhưng vẫn còn một câu hỏi quan trọng cần lời giải đáp:
“Liệu nhà soạn nhạc Shostakovich sẽ là một đỉnh núi nữa, trên dãy núi với đỉnh cao tối thượng là Beethoven, hay anh sẽ  khởi đầu của một rặng núi hoàn toàn mới?”

Lê Long - nhaccodien.vn dịch / Time magazine số 20/7/1942