Thursday, October 6, 2016

The 20 greatest symphonies of all time - Vị trí số 1




Beethoven - Giao hưởng số 3 Eroica (1803) - Bản dịch bài viết của Stephen Johnson về tác phẩm được bầu chọn vị trí số 1 trong "The 20 greatest symphonies of all time" trên BBC music số tháng 9/2016
Một tác phẩm kỳ vĩ, tiên phong, khúc tụng ca một hình tượng anh hùng

Không nghi ngờ gì khi vị trí số một thuộc về Eroica, vượt lên trên tất cả các đối thủ khác. Ngay trong cuộc cạnh tranh giữa 9 bản giao hưởng của Beethoven, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người ủng hộ nhiệt thành với lựa chọn là giao hưởng số 5 hay 9, nhưng bản số 3 dường như quá thuyết phục với uy lực đặc biệt mà có thể khiến mọi ý tưởng phản biện phải câm nín. Rất khác với những gì mà Napoleon - nhân vật vốn là hình mẫu truyền cảm hứng cho tác phẩm, người đạt được vinh quang cùng sự mếm mộ và rồi tự chôn vùi hình tượng trong đầy rẫy những quyết định và hành động sai lầm sau này, bản giao hưởng trái lại là một tác phẩm khiến người nghe vô cùng thỏa mãn, từ giây phút mở đầu với 2 hợp âm rung động của dàn nhạc cho đến hồi kết bằng timpani âm vang chiến thắng, hoàn toàn không chút tì vết.

Kiến trúc của giao hưởng số 3 thật sự gây kinh ngạc. Chương đầu có vẻ đẹp khoáng đạt, hài hòa nhưng đầy sức mạnh và động lực cuồn cuộn như nước triều dâng. Tổng thể phức hợp được rèn nên từ những thành phần đơn giản, vốn là các giai điệu chưa thực trọn vẹn (được nghe lần đầu bởi bè cello diễn tấu), chúng kết lại cùng nhau một cách khéo léo và không ngừng nỗ lực hoàn thiện, liên tiếp như những đợt sóng, mà với mỗi lần lắng xuống và nổi lên cùng với một hướng khởi đầu mới thú vị. Động lực đó lên đến đỉnh điểm ở gần cuối chương 1, khi trumpet đóng vai trò xâu chuỗi tất cả lại, lúc này người nghe dường như đều trông đợi chúng hoàn thiện chuỗi âm thanh, khiến cho giai điệu lớn bao trùm chương nhạc trở nên trọn vẹn. Nhưng trái lại, dường như Beethoven đã chủ ý bỏ lửng? Khiến cho đoạn kết của chương 1 có vẻ không thực sự hoàn thiện?

Nếu đó là sự bất toàn của một người anh hùng, hay một cái kết không thật sự trọn vẹn, thì có vẻ hành khúc tang lễ nối tiếp sau đó là môt tiến trình hết sức tự nhiên, bản hành khúc có khả năng thanh tẩy tâm hồn, trang nghiêm nhất đã từng được viết ra... và rồi đến khoảnh khắc khi mà cảm xúc dường như vỡ òa (khi đã đi qua hầu hết chương nhạc bi thương), bè violin tấu lên những nét đứt đoạn trong phần coda khiến người nghe nín thở, Beethoven dùng contrabass đặt dấu chấm hết với nét nhạc u ám chắc nịch như số phận bi kịch đã an bài, kết thúc chuỗi hành trình của người nghe xuyên qua đêm đen sâu thẳm của tâm hồn.

Tương phản với hành khúc bi tráng, chương nhạc nối tiếp là một trong những chương Scherzo sống động, ngập tràn nhịp điệu táo bạo nhất trong các giao hưởng của Beethoven, mà ở trung tâm của nó, là cái nhìn lại quá khứ: 3 kèn horn trình diễn những nét nhạc tinh tế, đúng nghĩa là một đoạn trio - tam tấu hài hòa cân đối kiểu nguyên bản. Chương 4 mở đầu đột ngột bằng một thoáng chói sáng của phần "giới thiệu", hay coup de theatre - thứ tạo đột biến thu hút sự chú ý tức thời, chương cuối đưa không khí hào hùng trở lại tràn ngập - nhưng với sức sống hoàn toàn khác. Cấu trúc chương này vốn cơ bản là những biến tấu trên một chủ đề, Beethoven đã dần tái thiết lập, dựng lên một giai điệu kỳ vĩ, quy mô mà những viên gạch đầu tiên của nền móng bắt đầu với đoạn bật ngón - pizzicato của dàn dây cực kỳ lôi cuốn. Cứ thế, qua những biến tấu đa dạng,  làm nên lớp bề mặt của chương nhạc, với những lớp giai điệu đan dệt vào nhau cho đến khi bức tranh tổng thể hình thành, giai điệu chính xuất hiện trọn vẹn, một tổng thể khoáng đạt được tạo bởi vô số những biến tấu trước đó.

Chủ đề tiếp tục được biến đổi và phát triển xa hơn, với đỉnh cao cảm xúc trong phần nhịp độ chậm poco adante, tại đây chúng ta nhận ra điều mà chương 1 còn bỏ ngỏ, nay được hoàn thiện trọn vẹn, giai điệu anh hùng với âm hưởng rộng rãi khoáng đạt, thư thái giờ đây vang lên bao trùm với niềm hân hoan chiến thắng. Điểm nổi bật là giai điệu này được phát triển, rút ra từ vở ballet về Prometheus, người khổng lồ đã chống lại các vị thần bằng việc mang lửa (hay tri thức) tới cho nhân loại - một liên tưởng với hình tượng có tính chất giải phóng, chân thực và phổ quát hơn vị tướng người Corsian (Napoleon sinh tại Corse - ND) kẻ đã tự xưng đế và rồi kết thúc sự nghiệp tham vọng của mình trong bi kịch.

Thứ âm nhạc thách thức, lay động và tươi sáng đó, mang đến những rung cảm mạnh mẽ bằng một hình thức âm nhạc vừa mạch lạc, hết sức gắn kết trong một thể thống nhất trước bao biến đổi, đồng thời vẫn linh hoạt đủ để đón nhận những bi kịch khắc nghiệt nhất của con người. Bởi đồng thời Eroica cũng là minh chứng cho điều mà Jung gọi là một nguyên mẫu - "archetypal". Đó là câu chuyện về một nhân vật anh hùng với nỗ lực, thất bại và cái chết, rồi được phục sinh với phép màu hay trong tiềm thức của nhiều thế hệ, câu chuyện được kể bằng rất nhiều ngôn ngữ qua những truyền thuyết trên khắp thế giới, vì thế nên đó là một hình ảnh mang tính khái quát cao được ưa chuộng, và bởi Eroica của Beethoven đã được kể lại bằng âm nhạc, nên nó đại diện cho hình mẫu đó ở hình thức nguyên bản, tinh ròng và phổ quát nhất. Tuy vậy, rõ ràng là người nghe hoàn toàn có thể cảm thấy rung động trước những gì Beethoven đã tạo nên mà không cần phải biết đến bất kỳ thông tin gì tôi đã đề cập ở trên đây, và tôi tin là bằng một sự tự do đồng thuận, đây chính là giao hưởng vĩ đại nhất từng được sáng tác.


cloudintrousers/nhaccodien.vn dịch  Nguồn: BBC music số tháng 9/2016

No comments:

Post a Comment