Tuesday, July 4, 2017

Shostakovich - String quartet no.11 in F minor Op.122

Shostakovich và thành viên Tứ tấu Beethoven năm 1947




Một trong những tứ tấu dễ gây ấn tượng với người nghe ngay từ lần đầu. Khá nổi bật, dễ nhớ trong bộ 15 tứ tấu của Shostakovich, bối cảnh và mục đích của tác phẩm giúp người nghe chú tâm hơn nhìn sâu vào chi tiết bề mặt, có thêm những lý giải hay suy tưởng. Nhưng quan trọng hơn là sự lôi cuốn ko cần lý do, bởi vẻ đơn giản của những nhân tố nguyên bản khác thường, những cảm xúc trừu tượng nhưng rõ ràng với những tương phản thú vị dễ thấy.


- Lê Long/ nhaccodien.vn - tổng hợp dựa trên Booklet "Tứ tấu Shostakovich - Borodin quartet" của Melodya (thu âm 1978-1983) và themusicsalon.blogspot.com của Bryan Townsend


Hoàn thiện vào tháng 1 năm 1966, với lời đề tặng: "Tưởng nhớ Vasily Petrovich Shirinsky" - một trong những thành viên sáng lập và cho đến tận những ngày cuối đời, dường như vẫn là  "không thể thay thế" ở vị trí violin 2 của Tứ tấu Beethoven. Nhóm đã công diễn hầu hết các tứ tấu của Shostakovich, ngoại trừ số 1 và 15. Trong đó số 11 và 14 được đề tặng riêng cho 2 thành viên trong nhóm.


Số 11 là một trong những tứ tấu đậm chất thính phòng, thân mật, gần gũi và trữ tình nhất của Shostakovich. Tác phẩm ghi dấu ấn bằng đặc tính và cảm xúc tổng thể của nó, không ồn ã ngay từ đầu mà như một dòng chảy âm ỉ câm lặng, khi lắng nghe sẽ thấy những xáo động dữ dội lớn dần bên trong nó. Cách nó được trình bày cũng thật đặc biệt - rõ ràng, giản dị và khắc khổ, đôi khi dường như quá đơn giản, với chỉ một nhân tố lặp đi lặp lại. Sự đơn giản có thể đến ngô nghê hoặc khó chịu với ai mới tiếp cận với thế giới của Shostakovich.




Vasily Shirinsky

Shostakovich luôn có những lựa chọn khó lường với người theo dõi quá trình sáng tác của ông, thể hiện rõ nét trong hệ thống 15 giao hưởng và tứ tấu. Sau 2 tứ tấu 9,10 có quy mô với sự đồng nhất tương đối trong toàn bộ tác phẩm. Tứ tấu số 11 tạo sự thay đổi với 7 chương nhạc ngắn hình thành nên như một dạng suite (tổ khúc), đó là một tổ hợp những cảm xúc đứt đoạn, day dứt, thiếu tổ chức nhưng vì thế mà tự nhiên hơn. Khi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nó có vẻ hấp dẫn gây tò mò, bởi chất liệu bề mặt đơn giản mà lôi cuốn.  Còn khi đã hiểu nội dung hướng tới thì hình thức âm nhạc của nó trở nên có ý nghĩa, nhưng chương ngắn đầy xáo trộn, như một bài điếu văn dai dẳng tưởng nhớ người bạn, điềm tĩnh nhưng dồn nén với những xúc cảm mạnh mẽ.


Introduction – Andantino, attacca

Scherzo – Allegretto, attacca
Recitative – Adagio, attacca
Étude – Allegro, attacca
Humoresque – Allegro, attacca
Elegy – Adagio, attacca
Finale – Moderato

Mở đầu với chương "Introduction" - nét giai điệu đầu tiên vang lên diễn tấu bởi violin 1 đơn độc trên cái nền trống trơn tĩnh lặng, như một câu hỏi, giản đơn, không chút hình thức nhưng ngay lập tức mang lại ấn tượng đặc biệt lôi cuốn cho người nghe: violin 1 dường như đã bị bỏ lại một mình đơn độc, từ nay sẽ vắng bóng violin 2... âm thanh đầu tiên của cello vang lên, khơi gợi một chủ đề mà sau này sẽ trở thành yếu tố liên kết toàn bộ tác phẩm. Đến đây chất liệu của tác phẩm đã được phơi bày toàn bộ và gói gém lại, để từ đó sẽ sản sinh ra tất cả các nhân tố, đối tượng lần lượt xuất hiện ở các chương nhạc sau. 




Chủ đề dẫn nhập của violin 1 và chủ đề của cello trong chương 1
Nguồn: themusicsalon.blogspot.com/ Bryan Townsend



Chương 2 Scherzo với chút tươi sáng hơn, mở đầu với những nét nhạc ngắn đều đặn của cello. Dường như không có ở đâu khác, một thứ chủ đề tối giản, thong thả đơn nhất lại tạo nên một đoạn fugue hấp dẫn như vậy. Đoạn fugue dần xoa dịu tâm trí người nghe. Rồi đột ngột và sững sờ, tiếng kêu than khắc khổ của chương "Recitative" phá tan bầu không khí tĩnh lặng ở cuối đoạn "Scherzo". Hình ảnh kịch tính, với bi kịch của nỗi đau và sự phản kháng gây chấn động bằng âm nhạc. Tương phản gay gắt tiếp tục được tạo ra bởi sự nối tiếp của chuyển động gấp gáp của (ban đầu là) violin (và sau là cello), chúng dần tạo nên một tổ hợp với năng lượng sóng sánh ngập tràn, những chuyển động lên xuống, như những tiếng than tụng đồng vọng và lan truyền khắp bề mặt của một giáo đường thờ thứ tôn giáo vũ trụ vô hình.


Chương "Humoresque" xuất hiện như tên gọi của nó theo truyền thống, với dáng vẻ kỳ quái bất đối xứng, như một thứ vật chất kỳ dị, nhiều tương phản nhưng sống động, vừa có vẻ khôi hài vừa gây kinh sợ bởi những gai góc khó lường. Có thể, đó là một chiếc đồng hồ? (Shostakovich thích những chiếc đồng hồ chim cúc cu tinh xảo). Nhưng đó hẳn là môt chiếc đồng hồ loan báo sự khác thường điên rồ khi tâm trí vượt qua những giới hạn cảm xúc. Con chim cu than khóc không ngừng cùng với quả lắc và những bánh răng chuyển động liên tục, ban đầu nó có thể khiến người ta mìm cười nhưng rồi thay vào đó là cảm giác bất an về những rối loạn khác thường.


Một diễn giải khác có phần thú vị, dường như nhạc sĩ troll nhẹ violin 2 ở đây. Nhắc chúng ta nhớ rằng tất cả các đoạn dành cho violin 2 sẽ được chơi bởi thành viên mới gia nhập nhóm thay thế cho Shirinsky. Shostakovich thể hiên khiếu hài hước của mình bằng việc giao cho anh này một công việc giản đơn hơn rất nhiều các thành viên kỳ cựu còn lại, đó là chỉ phải chơi đúng 2 nốt G và E,  lặp đi lặp lại xuyên suốt chương "Humoresque". Trong khi phần còn lại là một biến tấu trên chủ đề của cello cực kỳ dày dạn và sắc sảo



Thành viên Tứ tấu Beethoven năm 1943


Chương "Elegy" vang lên ở giọng trầm lấy lại vẻ điềm tính u buồn đưa âm nhạc về gần với tính chất tang lễ. Đây là chương dài nhất và có nhiều sự phát triển, biến đổi đa dạng nhất, đưa những chủ đề của chương 1 đi xa nhất có thể.


Chương cuối đúng như tên gọi "conclusion" kết thúc câu chuyện dài đầy cảm xúc, yếu tố tổng kết khi chủ đề của chương II xuất hiện, dần mất đi động lượng, lặp lại đều đều cùng với chủ đề introduction (chương I), những đoạn bật ngón khẽ... dần lấp đầy những trang cuối của bản tứ tấu với cảm xúc an ủi xoa dịu.

Có thể nói vui về bản tứ tấu này như một tổ khúc phóng túng (hết sức tự do) trên 2 chủ đề: Một liền mạch, dai dẳng, lang thang vô định, một đơn giản, đứt đoạn, lặp đi lặp lại nhưng được tổ hợp linh hoạt. Và luôn là như vậy, khi nhìn sâu vào tác phẩm của Shostakovich, người ta có thể bỏ qua tất cả những "sự mỉa mai u tối, những liên tưởng chính trị hay câu truyện cuộc đời của nhạc sĩ" chỉ còn câu hỏi muôn thuở của quá trình sáng tác: nỗ lực làm đa dạng họa, tạo tương phản và nỗ lực thống nhất với tính liên tục. Mỗi tứ tấu của Shostakovich đều độc đáo, và ông dường như đang phát triển một công thức để khiến chúng độc đáo! 


Lê Long/ nhaccodien.vn - tổng hợp dựa trên Booklet "Tứ tấu Shostakovich - Borodin quartet" của Melodya (thu âm 1978-1983) và themusicsalon.blogspot.com của Bryan Townsend