Thursday, October 22, 2020

Mozart - Symphony no.41 "Jupiter", C major, K551

Đĩa CD mua hồi đầu Đại học ở một hàng trên Khâm Thiên 

"
Sáng tác khí nhạc vĩ đại nhất trước cách mạng Pháp" - nhận định của George Grove về Giao hưởng số 41, giọng Đô trưởng, K551 của Mozart là khá chính xác với một người như mình, ấy là kiểu người nghe nhạc sau bao nhiêu năm thì vẫn ko mấy hứng thú với âm nhạc "trước Beethoven" - mà chính xác hơn là trước Giao hưởng số 3 của Beethoven, bởi dường như tất cả chúng đều gần như một màu, na ná nhau về cảm xúc và chỉ là một tập hợp các chương nhạc rời rạc.

Ngay với 41 giao hưởng của Mozart, số lượng tác phẩm thực sự có chất lượng và quy mô không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay (kể đến như Giao hưởng số 29, 31, 35, 37, 38 và loạt 39, 40, 41), một phần trong số còn lại thực sự chỉ đáng kể khi biết đến độ tuổi của người tạo ra chúng. 


Nằm trong bộ 3 giao hưởng (39, 40, 41) cuối đời của nhạc sĩ, sáng tác cùng vào mùa Hè năm 1788, (hoàn toàn bí ẩn bởi không tìm thấy tài liệu nào nhắc đến mục đích và lý do sáng tác 3 giao hưởng này, điều mà hiếm gặp với Mozart) giao hưởng số 41 có quy mô và độ phức tạp vượt trội đã giúp cho một bộ phận người yêu nhạc có niềm tin về năng lực sáng tạo thực sự toàn diện của Mozart, không chỉ nổi trội với những sáng tác nổi tiếng bởi sự đơn giản, rõ ràng mang màu sắc trữ tình tươi sáng mà còn đầy tiềm năng với những tác phẩm sâu sắc mang nhiều sức nặng như Giao hưởng số 41, tác phẩm được xem là thể hiện tận cùng khả năng sáng tác khí nhạc của Mozart với nhiều tương phản và sự đa dạng cảm xúc nhất, được tổ chức sắp xếp thống nhất trong 1 tác phẩm quy mô so với những sáng tác cùng thời.
 

Những sáng tác ở giai đoạn 5 năm cuối đời, từ các opera kinh điển cho đến bộ 3 giao hưởng, thực sự gây tò mò về một Mozart có thể sẽ rất khác ở các giai đoạn tiếp theo nếu ông ko ra đi khi mới 35 tuổi, bởi cũng ở cùng độ tuổi đó, Beethoven mới chỉ có trong tay Giao hưởng số 3, còn Brahms thì vẫn đang trăn trở trong quá trình sáng tác Giao hưởng số 1

 

Do đó mà giao hưởng 41 được xem như dọn đường hay dự báo sớm những giao hưởng đầy tính cách mạng sau này của Beethoven, đặc biệt là Giao hưởng số 3 "Eroica", tác phẩm được truyền cảm hứng trực tiếp từ CM Pháp 1879 - Là dấu ấn quan trọng trong bước chuyển giữa trào lưu Cổ điểnLãng mạn trong âm nhạc, được Beethoven sáng tác ở độ tuổi khi mà Mozart đột ngột phải chấm dứt sự nghiệp.

 

Một điều thú vị nữa đối với mình là chất liệu âm nhạc trong Giao hưởng số 41 không có nhiều sáng tạo nguyên bản về chất liệu âm nhạc, Chương 1 với cấu trúc Sonata, xuất hiện đoạn trích dẫn giai điệu từ aria "Un bacio di mano" (Nụ hôn trên tay) K541 do chính Mozart viết từ trước đó, đây vốn là một aria được ca sĩ đặt hàng, mục đích chèn thêm vào trong quá trình diễn một vở opera chính mà ca sĩ đó tham gia, trong trường hợp này là vở opera Le gelosie fortunate (Nhng k gen tuông may mn) của Pasquale Anfossi (nhc sĩ người Ý 1727-1797) công diễn từ năm 1786 . Việc chèn thêm các aria được đặt hàng sáng tác riêng có mục đích giúp phô diễn hết khả năng của ca sĩ chính, một hành động khá phổ biến trong giai đoạn mà vị thế của ca sĩ nhiều khi còn lớn hơn nhạc sĩ sáng tác. Trích dẫn này làm dấy lên những câu hỏi về mục đích, tính cần thiết của hành động này khi đặt một giai điệu từ thế giới hài kịch bông đùa vào một tác phẩm giao hưởng sâu sắc?!

 

Kế đến là chủ đề chính của chương kết, một motif 4 nốt vốn xuất hiện nhiều lần trong các sáng tác âm nhạc cùng thời*, như Giao hưởng số 28 của Michael Haydn (trong chương cuối – chương 3 cũng là 1 chương Fuga) và số 13 của Joseph Haydn (mở đầu chương 4), mà nếu truy dấu xa hơn, có thể đã xuất phát từ khúc thánh ca không nhạc đệm (plainchant) từ thế kỷ 14.

 


Tuy nhiên dưới bàn tay sáng tạo của Mozart, chương kết fuga 5 bè ứng với 5 giai điệu, với chủ đề mở đầu “vay mượn” này đã trở thành một điểm nhấn nổi bật không chỉ trong bản giao hưởng số 41, mà còn trong toàn bộ sáng tác khí nhạc của nhạc sĩ. Bất kể chất liệu âm nhạc có nguyên bản hay không, người nghe nhanh chóng bị cuốn vào dòng chảy bất tận của chương nhạc, với nguồn năng lượng đặc biệt, thể hiện thông qua quá trình phát triển của từng chủ đề từ riêng biệt, hoặc kết hợp giữa 2, 3 chủ đề, luân chuyển tiếp nối năng lượng giữa các bè của bộ gỗ… cho tới đoạn Coda với tất cả sự phức hợp ngập tràn cảm xúc.

 

Chương 2 cũng với cấu trúc Sonata, tính chất như 1 chương sarabande (vũ khúc nhịp 3) ở giọng Pha trưởng (F major)Chương 3 Meunuetto: Allegretto - Trio điển hình theo đúng cấu trúc Giao hưởng Cổ điển, cùng với những yếu tố “vay mượn” và sáng tạo kể trên, đã khiến Giao hưởng số 41 trở thành Giao hưởng tiêu biểu nhất của thời kỳ Cổ điển bởi hội tụ, kế thừa và phát huy các yếu tố quen thuộc và đặc trưng, nhưng ở quy mô, độ phức hợp và cảm xúc có nhiều khác biệt, một sáng tác mà theo nhiều người là tập trung toàn bộ tinh hoa, kỹ năng của nhạc sĩ tích tụ trong suốt sự nghiệp.

 

Gần 50 năm sau, Schumann chia sẻ cảm nhận về chương cuối Fuga của Giao hưởng số 41 là tuyệt tác không cần phải diễn giải, tương tự như nhiều sáng tác khác của Beethoven hay Shakespeare.


*Trong thư từ trao đổi với bố mình, Mozart đã nhờ ông gửi tổng phổ của các giao hưởng mới nhất, với những chương fuga của anh em Haydn từ Sazlburg

 

Giao hưởng này nằm ở vị trí thứ 20 trong Danh sách 20 giao hưởng được yêu thích nhất mọi thời mà mình làm theo phong trào của anh em Nhaccodien.vn, đầu tiên bởi như bài viết, nó xứng đáng đại diện cho tất cả các sáng tác Giao hưởng trước CM Pháp với âm nhạc và cảm xúc nó mang lại, sau đó thì có lẽ album nhạc cổ điển đầu tiên đáng nhớ đối với mình chính là Leonard Bernstein chỉ huy dàn Vienna philharmonic trình diễn Giao hưởng 40 và 41 “Jupiter” của DG, vẫn nhớ mua được trên Khâm Thiên từ hồi mới vào Đại học mà dành không ít thời gian nghe đi nghe lại trên cái dàn máy JVC cũ. Vì thế nếu phải chọn bản thu theo như “luật chơi” của web thì chắc cũng sẽ là sự kết hợp này... dù ở trên chỉ có thể chia sẻ phiên bản của Lorin Maazel vì chất lượng video và diễn giải cũng rất ổn. 


Lê Long - nhaccodien.vn