Tuesday, August 22, 2017

Symphonie Espagnole - Lalo


Nếu bạn cần tiếp thêm năng lượng cho một tuần mới, thì đây chính là thứ nước tăng lực đóng lon thuần khiết. So sánh nó với nước tăng lực là bởi giai điệu catchy, lập tức thu hút, dễ nhớ, dễ nắm bắt và có thể khiến cho nhịp tim  tăng lên theo từng phút cùng với sự hứng khởi, xao xuyến.
"Giao hưởng Tây Ban Nha" viết ở giọng Rê thứ, tác phẩm số 21 (Symphonie espagnole in D minor, Op.21) cho violin và dàn nhạc bởi Édouard Lalo (Nhạc sĩ người Pháp), một trong vài sáng tác phổ biến nhất của nhạc sĩ cho đến giờ vẫn được biểu diễn ở "hạng mục" concerto cho violin. Phần nào cũng giống như "Khúc zigan" (zigeunerweisen) của "violinist" Pablo Sarasate - người được Lalo viết Giao hưởng Tây Ban Nha dành tặng ông. Tác phẩm thấm đẫm không khí Tây Ban Nha, sự rõ ràng, mạch lạc, giai điệu khỏe khoắn đầy màu sắc, vẻ hào hùng biến hóa xen kẽ trong nét quyến rũ say đắm, giàu kịch tính nhưng vừa đủ ở tính chất giải trí, hết sức thỏa mãn người nghe.

Nếu thích Zigeunerweisen chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua tác phẩm của Lalo, một phiên bản ở cùng vũ trụ nhưng mở rộng, một bữa tiệc nhiều món (multicourses meal) vừa đủ no. Khác với Zigeuneurweisen mở đầu với bi kịch ướt át, có phần thống thiết, những âm thanh của dàn nhạc đầu tiên vang lên trong Symphonie espagnole hùng hậu, chắc khỏe, rắn rỏi trong giây lát thoáng gợi nhắc đến Brahms, cho đến khi violin solo thực sự bắt đầu diễn tấu thì tính chất Tây Ban Nha mới tràn về thấm đẫm...

Giao hưởng Tây Ban Nha được viết năm 1874 cho Pablo Sarasate, công diễn tại Paris tháng 2 năm 1875 (trước buổi công diễn vở Carmen của Bizet một tháng)

Tác phẩm gôm 5 chương nhạc ngắn, gói gọn trong khoảng nửa giờ:
1.Allegro non troppo
2.Scherzando: Allegro molto
3.Intermezzo: Allegretto non troppo
4.Adante
5.Rondo: Allegro

Ảnh hưởng lên Tchaikovsky:
Về việc được cho là Symphonie espagnole ít nhiều ảnh hưởng tới giai đoạn đầu trong sáng tác Violin concerto của Tchaikovsky, trên trang tchaikovsky-research.net cũng chia sẻ khá chi tiết.

Đầu năm 1878, Tchaikovsky cùng Iosif Kotek, học trò cũ của ông đang nghỉ dưỡng tại Clarens, bên hồ Geneva, Thụy Sỹ. Chuyến đi này là để giúp ông hồi phục những căng thẳng sau khủng hoảng hôn nhân với Antonina Miliukova.

Cùng với Kotek, khai người chơi một số trích đoạn trong danh mục tác phẩm cho violin, trong đó có Symphonie Espagnole của Lalo mà dường như đã truyền cảm hứng cho ông viết violin concerto giọng Rê trưởng. Điều này được chứng minh trong 2 bức thư gửi Nadezhda von Meck và em trai Anatoly Tchaikovsky trong tháng 3 năm 1878, Tchaikovsky nói về tác phẩm của Lalo là đầy vẻ tươi tắn, mới mẻ, giai điệu nồng ấm, với hòa âm đẹp tuyệt hảo... Lalo cũng như Leo Delibes và Bizet đã không ngừng nỗ lực, tránh những lối mòn để tìm kiếm những hình thức mới, đau đáu về vẻ đẹp của giai điệu hơn là cố gắng tái tạo truyền thống giống như các nhạc sĩ Đức...
... ông cũng nói rằng nguồn cảm hứng đang cháy trong người ông một cách bất thường, đã khiến ông xếp Grand Sonata (Sonate in G major, Op.37) đang viết dở sang một bên để bắt đầu chuyển sang sáng tác Violin concerto. Điều mà ông chia sẻ là chưa bao giờ có tiền lệ "riêng lần này, tôi không thể vượt qua được mong muốn chuyển sang phác thảo ngay một concerto trong khi phải bỏ dở sonata cho piano đang sáng tác"..

Lê Long/ nhaccodien.vn

Friday, August 4, 2017

Nikolai Myaskovsky - Cello Concerto in C minor, Op. 66

Nikolai Myaskovsky thập niên 1940

Concerto cho cello duy nhất của Myaskovsky được viết trong 3 tháng cuối năm 1944, đề tặng Svyatoslav Knushevitsky, và được công diễn lần đầu 17 tháng 3 năm 1945 tại Moscow. Tuy nhiên bản thu âm đầu tiên lại được thực hiện bởi Rostropovich năm 1956

Concerto giọng Đô thứ là một trong những sáng tác mềm mại và đáng yêu nhất của Myaskovsky, sử dụng dàn nhạc với thành phần và số lượng rất giống với Piano concerto số 1 của Brahms - gồm bộ đôi kèn gỗ, 4 kèn cor, 2 trumpet, timpani, và dàn giây - tuy nhiên có rất ít yếu tố động lượng và cấu trúc quy mô như concerto của Brahms. Nếu Myaskovsky có ý phần nào phản ánh tâm trạng cá nhân về cuộc chiến tranh đang diễn ra, thì đó là cảm giác u buồn và an ủi xoa dịu về cuối, hơn là cảm xúc giận giữ. Tác phẩm chia làm 2 chương có độ dài tương đương, tổng thời lượng kéo dài khoảng nửa giờ.

1.Lento ma non troppo - Adante - Tempo I
2.Allegro vivace - Piu marcato - Meni mosso - Tempo I


Svyatoslav Knushevitsky cùng Oistrakh, Lev Oborin
Tác phẩm bắt đầu với một đoạn Lento dồn nét vừa phải, giai điệu mở đầu bi ai, có phần dè dặt, tô điểm bằng tông màu tối bởi dàn dây và bassoon (kèn fagot), tất cả dẫn đến đoạn giai điệu chủ đề tuyệt đẹp của cello chực chờ được hé lộ - đây là điểm nhấn đặc biệt ấn tượng ngay từ những phút đầu khiến người nghe khó có thể quên, có thể nói chính là thứ mà khiến Cello concerto của Myaskovsky thiết lập được chỗ đứng trong bản đồ âm nhạc. Sáo và oboe dần hòa thêm chút sắc thái tươi sáng. Thay vì hướng tới những đoạn kỹ thuật phức tạp, trưng trổ vốn phải có, vai trò của cello ở chương đầu chỉ là đưa ra và giữ vững tuyến giai điệu chính, với những biến đổi vừa phải, chính nhờ vẻ đơn giản, tự nhiên vừa phải đó mà vẻ đẹp và sự lôi cuốn của giai điệu chủ đề trở nên chân thành đến khó quên. Nghệ sĩ độc tấu chỉ được phô diễn đôi chút với đoạn cadenza ngắn ở cuối chương 1.

Chương 2, allegro vivace, mở đầu với chủ đề tiết tấu nhanh gần với vũ khúc dân gian tarantella (nhịp 6/8), nơi cello mang đến thêm một chủ đề dân gian. Những yếu tố đa dạng được đan dệt vào nhau làm nên một phức hợp âm nhạc. Sau một cadenza dành cho cello, dàn kèn đồng đưa người nghe tới đoạn tái hiện đầy đam mê dựa trên chủ đề mở đầu chương 1 (có phần trang nghiêm đánh dấu bởi timpani gây xáo động). Những nét giai điệu bi ai của chủ đề mở đầu lại thêm một lần được xuất hiện trọn vẹn, và rồi tác phẩm kết thúc trong âm thanh dịu nhẹ, yên bình, ở giọng Đô trưởng.

Myaskovsky và Khachaturian (một trong những học trò xuất sắc của Myaskovsky), ảnh năm 1933 
Cello concerto giọng Đô thứ op.66, cùng với Symphony số 21 (1940) đều giành giải Stalin trong thập niên 1940. Myaskovsky cũng nằm trong danh sách các nhạc sĩ bị đánh trong giai đoạn chống "chủ nghĩa hình thức" (formalism) diễn ra năm 1948, chỉ 2 năm trước khi ông qua đời.

Lê Long/ nhaccodien.vn  - Dựa theo Chris Morrison trên Allmusic

Tuesday, July 4, 2017

Shostakovich - String quartet no.11 in F minor Op.122

Shostakovich và thành viên Tứ tấu Beethoven năm 1947




Một trong những tứ tấu dễ gây ấn tượng với người nghe ngay từ lần đầu. Khá nổi bật, dễ nhớ trong bộ 15 tứ tấu của Shostakovich, bối cảnh và mục đích của tác phẩm giúp người nghe chú tâm hơn nhìn sâu vào chi tiết bề mặt, có thêm những lý giải hay suy tưởng. Nhưng quan trọng hơn là sự lôi cuốn ko cần lý do, bởi vẻ đơn giản của những nhân tố nguyên bản khác thường, những cảm xúc trừu tượng nhưng rõ ràng với những tương phản thú vị dễ thấy.


- Lê Long/ nhaccodien.vn - tổng hợp dựa trên Booklet "Tứ tấu Shostakovich - Borodin quartet" của Melodya (thu âm 1978-1983) và themusicsalon.blogspot.com của Bryan Townsend


Hoàn thiện vào tháng 1 năm 1966, với lời đề tặng: "Tưởng nhớ Vasily Petrovich Shirinsky" - một trong những thành viên sáng lập và cho đến tận những ngày cuối đời, dường như vẫn là  "không thể thay thế" ở vị trí violin 2 của Tứ tấu Beethoven. Nhóm đã công diễn hầu hết các tứ tấu của Shostakovich, ngoại trừ số 1 và 15. Trong đó số 11 và 14 được đề tặng riêng cho 2 thành viên trong nhóm.


Số 11 là một trong những tứ tấu đậm chất thính phòng, thân mật, gần gũi và trữ tình nhất của Shostakovich. Tác phẩm ghi dấu ấn bằng đặc tính và cảm xúc tổng thể của nó, không ồn ã ngay từ đầu mà như một dòng chảy âm ỉ câm lặng, khi lắng nghe sẽ thấy những xáo động dữ dội lớn dần bên trong nó. Cách nó được trình bày cũng thật đặc biệt - rõ ràng, giản dị và khắc khổ, đôi khi dường như quá đơn giản, với chỉ một nhân tố lặp đi lặp lại. Sự đơn giản có thể đến ngô nghê hoặc khó chịu với ai mới tiếp cận với thế giới của Shostakovich.




Vasily Shirinsky

Shostakovich luôn có những lựa chọn khó lường với người theo dõi quá trình sáng tác của ông, thể hiện rõ nét trong hệ thống 15 giao hưởng và tứ tấu. Sau 2 tứ tấu 9,10 có quy mô với sự đồng nhất tương đối trong toàn bộ tác phẩm. Tứ tấu số 11 tạo sự thay đổi với 7 chương nhạc ngắn hình thành nên như một dạng suite (tổ khúc), đó là một tổ hợp những cảm xúc đứt đoạn, day dứt, thiếu tổ chức nhưng vì thế mà tự nhiên hơn. Khi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nó có vẻ hấp dẫn gây tò mò, bởi chất liệu bề mặt đơn giản mà lôi cuốn.  Còn khi đã hiểu nội dung hướng tới thì hình thức âm nhạc của nó trở nên có ý nghĩa, nhưng chương ngắn đầy xáo trộn, như một bài điếu văn dai dẳng tưởng nhớ người bạn, điềm tĩnh nhưng dồn nén với những xúc cảm mạnh mẽ.


Introduction – Andantino, attacca

Scherzo – Allegretto, attacca
Recitative – Adagio, attacca
Étude – Allegro, attacca
Humoresque – Allegro, attacca
Elegy – Adagio, attacca
Finale – Moderato

Mở đầu với chương "Introduction" - nét giai điệu đầu tiên vang lên diễn tấu bởi violin 1 đơn độc trên cái nền trống trơn tĩnh lặng, như một câu hỏi, giản đơn, không chút hình thức nhưng ngay lập tức mang lại ấn tượng đặc biệt lôi cuốn cho người nghe: violin 1 dường như đã bị bỏ lại một mình đơn độc, từ nay sẽ vắng bóng violin 2... âm thanh đầu tiên của cello vang lên, khơi gợi một chủ đề mà sau này sẽ trở thành yếu tố liên kết toàn bộ tác phẩm. Đến đây chất liệu của tác phẩm đã được phơi bày toàn bộ và gói gém lại, để từ đó sẽ sản sinh ra tất cả các nhân tố, đối tượng lần lượt xuất hiện ở các chương nhạc sau. 




Chủ đề dẫn nhập của violin 1 và chủ đề của cello trong chương 1
Nguồn: themusicsalon.blogspot.com/ Bryan Townsend



Chương 2 Scherzo với chút tươi sáng hơn, mở đầu với những nét nhạc ngắn đều đặn của cello. Dường như không có ở đâu khác, một thứ chủ đề tối giản, thong thả đơn nhất lại tạo nên một đoạn fugue hấp dẫn như vậy. Đoạn fugue dần xoa dịu tâm trí người nghe. Rồi đột ngột và sững sờ, tiếng kêu than khắc khổ của chương "Recitative" phá tan bầu không khí tĩnh lặng ở cuối đoạn "Scherzo". Hình ảnh kịch tính, với bi kịch của nỗi đau và sự phản kháng gây chấn động bằng âm nhạc. Tương phản gay gắt tiếp tục được tạo ra bởi sự nối tiếp của chuyển động gấp gáp của (ban đầu là) violin (và sau là cello), chúng dần tạo nên một tổ hợp với năng lượng sóng sánh ngập tràn, những chuyển động lên xuống, như những tiếng than tụng đồng vọng và lan truyền khắp bề mặt của một giáo đường thờ thứ tôn giáo vũ trụ vô hình.


Chương "Humoresque" xuất hiện như tên gọi của nó theo truyền thống, với dáng vẻ kỳ quái bất đối xứng, như một thứ vật chất kỳ dị, nhiều tương phản nhưng sống động, vừa có vẻ khôi hài vừa gây kinh sợ bởi những gai góc khó lường. Có thể, đó là một chiếc đồng hồ? (Shostakovich thích những chiếc đồng hồ chim cúc cu tinh xảo). Nhưng đó hẳn là môt chiếc đồng hồ loan báo sự khác thường điên rồ khi tâm trí vượt qua những giới hạn cảm xúc. Con chim cu than khóc không ngừng cùng với quả lắc và những bánh răng chuyển động liên tục, ban đầu nó có thể khiến người ta mìm cười nhưng rồi thay vào đó là cảm giác bất an về những rối loạn khác thường.


Một diễn giải khác có phần thú vị, dường như nhạc sĩ troll nhẹ violin 2 ở đây. Nhắc chúng ta nhớ rằng tất cả các đoạn dành cho violin 2 sẽ được chơi bởi thành viên mới gia nhập nhóm thay thế cho Shirinsky. Shostakovich thể hiên khiếu hài hước của mình bằng việc giao cho anh này một công việc giản đơn hơn rất nhiều các thành viên kỳ cựu còn lại, đó là chỉ phải chơi đúng 2 nốt G và E,  lặp đi lặp lại xuyên suốt chương "Humoresque". Trong khi phần còn lại là một biến tấu trên chủ đề của cello cực kỳ dày dạn và sắc sảo



Thành viên Tứ tấu Beethoven năm 1943


Chương "Elegy" vang lên ở giọng trầm lấy lại vẻ điềm tính u buồn đưa âm nhạc về gần với tính chất tang lễ. Đây là chương dài nhất và có nhiều sự phát triển, biến đổi đa dạng nhất, đưa những chủ đề của chương 1 đi xa nhất có thể.


Chương cuối đúng như tên gọi "conclusion" kết thúc câu chuyện dài đầy cảm xúc, yếu tố tổng kết khi chủ đề của chương II xuất hiện, dần mất đi động lượng, lặp lại đều đều cùng với chủ đề introduction (chương I), những đoạn bật ngón khẽ... dần lấp đầy những trang cuối của bản tứ tấu với cảm xúc an ủi xoa dịu.

Có thể nói vui về bản tứ tấu này như một tổ khúc phóng túng (hết sức tự do) trên 2 chủ đề: Một liền mạch, dai dẳng, lang thang vô định, một đơn giản, đứt đoạn, lặp đi lặp lại nhưng được tổ hợp linh hoạt. Và luôn là như vậy, khi nhìn sâu vào tác phẩm của Shostakovich, người ta có thể bỏ qua tất cả những "sự mỉa mai u tối, những liên tưởng chính trị hay câu truyện cuộc đời của nhạc sĩ" chỉ còn câu hỏi muôn thuở của quá trình sáng tác: nỗ lực làm đa dạng họa, tạo tương phản và nỗ lực thống nhất với tính liên tục. Mỗi tứ tấu của Shostakovich đều độc đáo, và ông dường như đang phát triển một công thức để khiến chúng độc đáo! 


Lê Long/ nhaccodien.vn - tổng hợp dựa trên Booklet "Tứ tấu Shostakovich - Borodin quartet" của Melodya (thu âm 1978-1983) và themusicsalon.blogspot.com của Bryan Townsend

Saturday, June 17, 2017

Đa thế giới trong tranh của John Berkey - Phần 2/2 (The many worlds of John Berkey - Illustration magazine)

Bài viết gốc bởi Jim Pinkoski - Lê Long dịch và tổng hợp

Link Phần 1


BERKEY'S ART TOOLS
"Sự thật là, nỗi sợ là nhân tố không thể thiếu trong mọi bức tranh mà tôi đã từng vẽ" "nỗi sợ thất bại hoặc cảm thấy không chắc chắn về khả năng hoàn thiện khiến tôi luôn phải nỗ lực vượt qua. Bắt đầu với tấm bảng trống trơn, với hình tham khảo hoặc phác thảo sơ bộ - hy vọng cuối cùng mọi thứ sẽ hiện ra đúng như tôi đã cẩn thận dự tính và triển khai từ tổng thể đến chi tiết". Berkey ưa chuộng Casein (protein tự nhiên), chất màu ông có thể pha với acrylics theo công thức riêng. " với cách làm riêng, rất hợp với kiểu mảng màu đặc và nhanh khô. Qua nhiều năm thử nghiệm để tìm ra công thức tối ưu, ông nói là đã thử trộn đủ thứ với chất màu nguyên để xem có ra cái gì không. "rất khó để làm hư một bề mặt sơn gốc nước, nhưng tôi đã tìm ra cách... Có những giai đoạn mọi thứ mà có thể bôi lên tóc hay cho vào miệng tôi đều trộn thử làm chất kết dính. Tôi luôn dành thời gian để tìm kiếm chất kết dính phù hợp nhất cho sơn mà mình muốn. Thế rồi đến lúc tôi kết luận la sẽ không thể có một loại sơn hoàn hảo. Nếu ai có nhu cầu, tôi có thể đưa ra một list tới 75 thứ chất mà tôi đã thử mà ko hiệu quả". Berkey thường trộn sơn acrylic với casein, loại chất protein có trong phô mai. "Đó là loại chất kết dính mạnh nhất mà  tôi biết" ông nói. Trộn nó với acrylic sẽ cho ra loại sơn có bề mặt rất khó phá hủy. Nếu Berkey muốn thay đổi chi tiết trên tranh sau khi sơn đã khô, ông phải đánh bay chỗ đó bằng giấy ráp.
"Tôi luôn thích dựa vào tham khảo tự mình vẽ hơn là ảnh chụp. Giúp tạo tính liên tục và thống nhất. Ảnh chụp có quá nhiều chi tiết mà đôi khi lại không có thứ ta cần. Thêm nữa là nó mất đi niềm vui của vẽ, sao chép từ ảnh thật là quá nhạt nhẽo. Khả năng sáng tạo từ vẽ là bất tận..." Các nét bút điêu luyện và giản lược sẽ gợi chuyển động và hình ảnh chi tiết tốt hơn, và mắt người quan sát sẽ tự tưởng tượng dựa trên những vệt màu và nội suy, lấp đầy những phần còn thiếu trong hình ảnh đó.

"tôi dùng bút lông chồn cỡ lớn (1-inch) để bắt đầu. Các chi tiết sau đó được tỉa bằng bút màu nước đàu tròn cỡ nhỏ. Hình ảnh tổng thể của tranh dựa theo phác thảo màu được tạo nên bởi bút rộng bản. Bước khởi đầu không phải là sao chép cẩn thận màu và hình dạng từ phác thảo, mà là cố gắng phát triển hơn từ bản sketch và gợi ra khả năng triển khai chi tiết về sau. Với các tranh về vũ trụ tôi luôn tự ép mình phải vẽ những thứ tôi chưa từng thấy trước đó. Khi lớp phác nền đã bị che khuất, lấp đầy, quá trình thành hình bức tranh bắt đầu, các lớp màu nối tiếp nhau để định hình nên các hình dạng. Đôi chỗ hình ảnh này lùi ra sau, bị dìm đi trong khi hình ảnh khác lại được tôn lên và được thêm vào sự sống. Cũng thường xảy ra khi một phần của bức tranh vốn khá ổn nhưng vẫn phải sửa do các vùng xung quanh được định hình, bối cảnh thay đổi khiến chi tiết cũng phải thay đổi. Tôi có không ít các bức phải bỏ dở khi đang triển khai.

Cách tiếp cận đến sản phẩm hoàn thiện của tôi là đồng hành với những thay đổi đa dạng, nhưng đôi khi bắt đầu lại từ đầu là cần thiết. Phần màu sáng phải che phủ hoàn toàn phần màu tối với độ mỏng như sữa láng lên trên, và vẫn giữ độ ẩm trên bảng đủ lâu để có thể hòa trộn với nét vẽ sau đó. Một bức tranh cảnh không gian tôi thường vẽ với ít kỷ luật hơn cả. Chúng có thể thay đổi rất nhiều so với phác thảo ban đầu, do vậy mà cũng khá vui khi vẽ. Trong hầu hết các bức vẽ theo yêu cầu khác, tôi hay phải lo lắng về việc tranh phải có độ chính xác. Có những nhận tố đòi hỏi đúng như thật. Ko phải lo về việc đó khi vẽ tranh fantasy hay sci-fi. Với hàng trăm bức vẽ không gian tôi đã làm, mỗi bức là một cách xử lý khác nhau - vơ cơ bản chúng chỉ giống nhau ở những bước lớn là phác thảo chì, vẽ lớp lót và hoàn thiện"

"Cái tôi muốn thấy đầu tiên là cách ánh sáng tác động lên hình dạng. Thông thường tôi cân nhắc về thời gian bối cảnh, là nắng hay mưa? Nơi tôi đứng cụ thể là ở đâu? Những câu hỏi đó phải được trả lời trước khi tôi đưa ánh sáng vào trong tranh. Sắp đặt ánh sáng trong tranh liên quan đến việc cái gì sẽ được quan sát và quan trọng là nó được thấy theo cách nào. Thực tế là không gian tuyền màu đen với duy nhất một nguồn sáng duy nhất: Mặt trời. Đồng thời cũng có khả năng là ánh sáng trong không gian có thể phức tạp hơn những thứ ta biết. Tôi thường tuân theo cảm nhận chủ quan tự do của người vẽ mà có thể phải thể hiện ko chỉ một nguồn sáng đơn nhất. Tôi chọn không theo truyền thống đặt ánh sáng lên một phía và làm tối phần còn lại.
"Thực tế là, tôi chưa bao giờ nghĩ mình vẽ như thực hiện một job. Nó là cách tôi sống"
GƯƠNG KÉP CỦA BERKEY
Berkey sử dụng hệ thống 2 gương (double-mirror: tạo phản chiếu 2 lần) cho chiếc bàn vẽ của mình. Gồm một chiếc gương lớn cỡ 24x30inch đặt nghiêng sau đầu ông, và một chiếc nhỏ hơn đặt trước mặt. Bất cứ thứ gì ông đang vẽ đều được phản chiếu lên tấm gương sau đầu và rồi thể hiện trên tấm trước mặt nhỏ hơn, hình ảnh trên đó sẽ giống như bức tranh được quan sát khi lùi ra xa ở khoảng cách 8 feet (~2.5m). Việc lùi ra xa quan sát tổng thể bức tranh, cũng như nhìn hình phản chiếu của tranh (flip horizontal) là điều không thể thiếu trong quá trình vẽ, giúp phát hiện ra những lỗi mà sẽ dễ bỏ qua khi chỉ quan sát ở cự ly gần lúc đang vẽ. Demi nói rằng John chế ra bộ gương này khoảng cuối thập niên 1960 vì ông chán phải mang tranh vào nhà tắm để quan sát trong gương!
Mô tả gương kép của John Berkey, bên phải là hình ảnh chụp từ clip của Greg Pro

TRANH CHỦ ĐỀ THIÊN NHIÊN VÀ HỆ THỐNG ÂM THANH TRONG XƯỞNG VẼ CỦA BERKEY
Hầu hết các nhà sưu tập, người hâm mộ Berkey đều nghĩ đến tranh sci-fi và phi thuyền không gian đầu tiên, trên mọi chủ đề khác, nhưng cũng cần nhắc lại về hàng trăm bức phong cảnh lịch sử nước Mỹ mà ông đã từng vẽ trong giai đoạn làm việc cho công ty in lịch. Những ngọn núi, nhà thờ và bến cảng đã hiện diện trên vô vàn các cuốn lịch treo tường. Cũng tương tự, từ 1967 đến 1978 Berkey đã vẽ 40-50 bức tranh về tự nhiên và câu cá cho tạp chí Sports Afield. Ông là người rất trân quý tự nhiên và luôn muốn được sống trong môi trường tự nhiên - do đó mà ông đã thiết lập hệ thống âm thanh kỹ lưỡng trong xưởng vẽ dưới tầng hầm của gia đình ông để mô phỏng, tái tạo âm thanh tự nhiên đưa nó vào trong nhà. Âm thanh của tự nhiên, tiếng chim hót... được thu vào trong thiết bị đặt sau nhà, rồi phát vào bên trong nhà thông qua hệ thống âm thanh vòm với 22 loa. Âm thanh tự nhiên sẽ được hòa trộn với âm nhạc nhẹ nhàng lặp lại theo chu kỳ làm nền. Ông nói "tôi yêu nhạc, nhưng hơn cả âm nhạc là âm thanh tự nhiên. Tôi thường kết hợp chúng với nhau. Tôi đã thu âm hàng giờ tiếng của chim chiền chiện miền Tây trong nhiều ngày." Có lần ông nghe thấy âm thanh lạ, kiểu như tiếng đứt gãy lạ phát ra trong loa, và rồi hóa ra buồng xông hơi nhà hàng xóm bị cháy, và John chính là người đầu tiên nghe thấy và gọi cứu hỏa! Vào buổi tối Berkey thường tắt hết đèn trong xưởng và nghe bản hòa tấu được ông sắp đặt kỹ càng, nhưng ông không nghe nhạc trong khi đang làm việc vào ban ngày. "Tôi có thể hoàn toàn tập trung vẽ mà không vướng bận với bất kỳ suy nghĩ nào, nhưng rất khó để tạo một cuốn băng với âm thanh nào đó có thể phù hợp ngoại trừ chính điều mà tôi đang cảm nhận tại thời điểm đó. Đấy chính là lý do tôi không muốn nghe bất cứ thứ gì khi đang vẽ"


Greg Pro thăm xưởng vẽ của John Berkey năm 1995 với đoạn video ngắn anh post trên facebook
http://www.facebook.com/video/video.php?v=418679571871&oid=309907436016
Trong đoạn mô tả có nhắc đến nhạc nền ông bật trong lúc Greg thăm xưởng là của Klaus Schulze - nhạc sĩ chuyên sáng tác nhạc điện tử dòng ambient. 2 cái tên khác cũng được nhắc đến là Brian Eno (cũng có sáng tác ambient) và Jon Mark
-ND- 

BERKEY ART BOOKS
Có 2 cuốn artbook tập hợp các sáng tác của Berkey được xuất bản. Năm 1991 Friedlander Publishing Group cho ra cuốn Painted space, gồm 56 bức tranh và 23 phác thảo. Kèm theo bài về tiểu sử của John do con gái ông là Sharon viết, đáng buồn là bà đã bị hở van tim và qua đời năm 1997, 8 ngày sau khi sinh đứa con thứ 2. Sang năm 1994 và 1996 Friedlander Publishing xuất bản 2 bộ thẻ sưu tập (collectible trading cards) có in hình 270 bức tranh khác của Berkey. Đến năm 2003, The Art of John Berkey của Jane Frank là cuốn sách thứ 2 về ông được xuất bản, với 96 bức tranh và phác thảo sơ bộ. Tính tổng thì có khoảng 450 bức tranh của ông được in và xuất bản dưới các hình thức kể trên - để lại hơn 2.500 bức khác chưa từng được in lại (tập hợp trong sách riêng, ko phải ở dạng ấn phẩm gốc mà nó xuất hiện lần đầu). Dù nhiều trang web cũng đã đăng các tranh của Berkey, nhưng dù vậy thì vẫn còn rất nhiều các tác phẩm chưa từng được biết đến rộng rãi.


BERKEY CHƯA TỪNG XEM STAR WARS
Dù Berkey nói là ông vẫn có ý định sẽ xem Star wars một ngày nào đó, nhưng điều đó vẫn chưa bao giờ xảy ra. Đầu những năm 1990 khi Michael Friedlander đang liên hệ với Berkey để xuất bản cuốn Painted space, Michael hoàn toàn kinh ngạc khi biết là ông chưa từng xem Star wars. Michael đùa là sẽ khiến ông phải xem trong lần viếng thăm tới (dùng từ "force" cũng là thần lực trong phim -ND) và John đã trả lời trong thư bằng một biếm họa vẽ chính ông bị buộc vào ghế trong trang phục Darth Vader với cái mũ đội ngược, kèm dòng chú thích "Anh không thể dùng thần lực để buộc tôi xem Star wars (You can't use THE FORCE to FORCE me to watch Star Wars!"

Berkey là người rất nhạy cảm và nhẹ nhàng, dù trong tranh ông thường ít nhiều liên quan đến những chủ đề mạnh mẽ hay thậm chí là thảm họa, chính ông cũng không thích xem thể loại phim căng thẳng có những chủ đề tương tự. "Tôi có sự tò mò về vũ trụ và tương lai, nhưng tôi không sống với nó. Tôi có đọc vài cuốn sách về khía cạnh kỹ thuật thực tế, về những thứ có thể xảy ra trong tương lai, và ở mức độ đó thì nó rất hấp dẫn, nhưng ở mức độ hư cấu thành phim thì nó khiến tôi mất đi hứng thú và thậm chí cảm thấy kinh sợ".

Do vậy mà dù có thể bị ấn tượng và thuyết phục bởi những bức tranh không gian tuyệt vời của ông, Berkey không phải là người yêu thế giới giả tưởng. "Thế giới khoa học và hư cấu (science and fiction) với tôi luôn là 2 khía cạnh đối lập. Khoa học đưa ra bằng chứng dựa trên nghiên cứu; còn hư cấu là ý tưởng mở rộng từ hiện thực. Khi phải vẽ chủ đề khoa học giả tưởng tôi luôn cố gắng đạt được cả 2, một tổ hợp hình ảnh hư cấu rất thuyết phục, làm cho người ta muốn tin. Có thể nói là hầu hết các hình minh họa là tổ hợp dạng này. Chủ đề giả tưởng cho tôi cơ hội đặc biệt để vẽ cái không có thật và rồi quan sát nó nhưng một thứ thực sự tồn tại..."

Ảnh (từ trái -phải, trên - dưới): Airport'79 Press kit art, Game cover và Đĩa CD (chơi trên win 95/98), Billboard quảng cáo King Kong năm 1976, Poster phim Dune (1984) tại Thụy Sĩ, Minh họa bìa cho Star SF.

"J.CONRAD"
Ngoài chữ ký "Berkey" vốn đã quen thuộc trong hầu hết các tranh của ông, nhà sưu tập còn để ý đến một chữ ký khác là "J.Conrad" thi thoảng xuất hiện (tên đầy đủ của ông là John Conrad Berkey) - đó là vào giai đoạn ông làm việc cùng lúc cho 2 công ty đang là đối thủ cạnh tranh của nhau như Texaco và Gulf Oil and Shell, ông không muốn cái tên người gây rắc rối hay ngăn cản việc ông nhận được cả 2 hợp đồng đó.

DỰ ÁN CÁ NHÂN
Berkey dành khoảng 1/3 thời gian để thực hiện các dự án cá nhân, ông viết năm 2003, "bế tắc trong sáng tác (painter's block)? Chưa đến lúc! Tôi có từng gặp phải, tuy nhiên, với tôi đó là lúc nên từ bỏ bức tranh. Thật lòng mà nói, hầu hết mọi bế tắc đều có thể giải quyết được, và không có lý do gì thực sự lớn khiến bạn ko thể vượt qua. Tôi đã vẽ nhiều bức, đến một giai đoạn nhất định, tôi ước tính sẽ phải mất thêm bao lâu nữa để hoàn thiện. Có nhiều bức đã bỏ dở đơn giản bởi vì tôi không còn khao khát muốn nhìn thấy nó sẽ ra sao khi hoàn thiện nữa."

BERKEY VÀ LẦN SUÝT CHẾT
Năm 1994, khi Berkey 62 tuổi, ông bị đột quỵ tại nhà và được đưa ngay tới bệnh viện. Sau này ông được chẩn đoán là bị Tách thành động mạch chủ (aortic dissection - một bệnh hiếm gặp- ND) giống với trường hợp gây ra cái chết của diễn viên John Ritter."Khi họ phát hiện ra bạn bị Tách thành động mạch chủ, thì coi như bạn đã chết" Berkey nói trong cuộc phỏng vấn năm 2004. Đáng ngạc nhiên là ông vẫn sống và hồi phục một cách kỳ diệu.

Tác giả bài viết - Jim Pinkoski với 2 cuốn lịch năm 1965 mà ông mất 5 năm tìm kiếm.
Bên dưới là Jim với poster hiếm của B&B năm 1960's gồm 19 hình minh họa trên đó.


GIẢI THƯỞNG NGHỆ THUẬT
Năm 1999 Berkey dành giải Spectrum Grand Master, năm 2000 được Association of Science Fiction and Fantasy Artists để cử Chesley Award ở mục Artistic Achievement. Ông là Khách mời danh dự tại Minicon35 ở Minneapolis, Minnesota năm 2000.
Năm 2004, John được vinh danh trong Hall of Fame có truyền thống 104 năm của Society of Illustrators (cộng đồng họa sĩ minh họa), cùng với những tên tuổi lớn như Norman Rockwell, N.C.Wyeth, Frederick Remington, và John James Audubon. Họa sĩ minh họa mà sau này là chủ tịch Hội - Vincent DiFate đã phát biểu trong lễ kỷ niệm, "Tôi không ngại khi công khai nói rằng John là người hùng tối thượng của tôi. Ông là một trong những nghệ sĩ sáng tạo và có ảnh hưởng lớn nhất của dòng giả tưởng, phong cách trực tiếp, rõ ràng với sự cân bằng hoàn hảo giữa bút pháp ấn tượng phóng khoáng và tính hiện thực đầy thuyết phục"
Thứ duy nhất khiến buổi lễ tại Newyork bớt vui đó là sức khỏe của John đã bắt đầu suy yếu. Khi trở lại nhà John bắt đầu bị chứng viên phổi hành hạ trong nhiều năm về sau.
Năm 2005. Berkey góp mặt tại triển lãm tổ chức tại ArtOrg gần Northfield, Minnesota, hình ảnh của buổi triển lãm được đăng trên mạng. 22-3-2007, là ngày được thành phố quê hương ông chọn chính thức là "Ngày John Berkey".
John Berkey qua đời do suy tim vào 29-4-2008, 75 tuổi.

KẾT
Cái cách mà Berkey tiếp cận và xử lý một cách đơn giản các chủ đề đa dạng, phức tạp một cách dễ dàng thật đáng kinh ngạc, ông là một tài năng lớn sống để vẽ xứng đáng với năng lực đó. Những người quen biết yêu tính hài hước, những câu chuyện và tính cách dễ gần của ông.
"Tôi thường nghĩ là sẽ rất tuyệt nếu bằng cách nào đó có thể lên hình toàn bộ bức tranh cùng lúc, nhưng thực tế chúng đều khởi đầu với vài mảng màu đơn độc đâu đó trên bề mặt tranh - và tôi mạnh dạn tiếp tục vẽ một cách cẩn thận vờn quanh điểm khởi đầu đó, với tâm lý sao cho ko phá hỏng nó. Điều luôn xảy ra, đó là điểm khởi đầu đó rồi sẽ không phù hợp với những gì được định hình sau đó. Đáng buồn là nó phải bị vẽ đè lên"
"Khi tôi nhìn vào cái tôi đã vẽ, tôi luôn thấy những điểm mình có thể làm tốt hơn" Berkey nói vào năm 2004 "tôi luôn lo sợ là mình sẽ làm hỏng việc. Có lẽ vì thế mà tôi luôn nỗ lực để cải thiện những gì đã có. Nhưng cuối cùng thì khi nhìn lại những gì đã làm được, về cơ bản là tôi thấy mãn nguyện"

Thông tin thêm về họa sĩ, mời ghé trang johnberkey.com

Hết

Lê Long dịch và tổng hợp từ Illustration magazine. Số 36 năm 2012. Bài viết "The many worlds of John Berkey"

Monday, June 12, 2017

Đa thế giới trong tranh của John Berkey - Phần 1/2 (The many worlds of John Berkey - Illustration magazine)

Bài viết gốc bởi Jim Pinkoski - Lê Long dịch



John Conrad Berkey sinh năm 1932 tại Edgeley, Bắc Dakota. Năm 15 tuổi, Berkey đã biết mình muốn gì và đó là vẽ được như các bậc thầy minh họa trong thời kỳ hoàng kim của bộ môn này (The Golden Age of illustration - Thập niên 1880 ~1920 với những đại diện như Howard Pyle, N.C.Wyeth... - ND) "ban đầu tôi sợ vẽ bằng cọ, nên thường dùng bút chì và bút mực". Trong những tháng hè khi còn đang trung học, Berkey có những công việc làm thêm đầu tiên cho một vài art studio ở Minneapolis. Tại đó tài năng của anh nhanh chóng được nhìn nhận. Sau vài tháng theo học trường nghệ thuật tại Minneapolis, Berkey bỏ ngang vì chán và làm nhân viên chuyển phát cho Artists incorporated, tại thời điểm đó là studio lớn nhất vùng thành phố đôi (Twin cities, Minneapolis - Saint Paul), đồng thời bắt đầu theo hướng tự học để trở thành họa sĩ minh họa. "Trong thời gian này tôi đã hình thành mối quan hệ với các họa sĩ thế hệ trước mà muốn vẽ không chỉ vì mục đích kinh tế. Tôi nhận ra rằng việc có tư duy độc lập, đặt mục tiêu cao hơn những yêu cầu giới hạn của mỗi đầu việc (mà khách hàng đề ra) đã giúp tôi có những tiến bộ nhất định"

Vào năm 1955 Berkey đã thành họa sĩ minh họa tại Brown & Bigelow, một cty ở St.Paul, Minnesota khi đó là cty lớn nhất thế giới về làm lịch. "Chỗ đó rất tuyệt, có tới khoảng 150 họa sĩ, mà công việc thì luôn thừa mứa, chỉ cần bạn muốn vẽ". Trong suốt 8 năm làm ở đây, Berkey đã cung cấp hình minh họa cho hơn 500 tờ lịch với nội dung vô cùng đa dạng từ cảnh đồng quê cho tới phác họa lịch sử mà anh là người tự nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn. "Khối lượng công việc mà tôi phải tiếp xúc hằng ngày rất phong phú đồng thời lý thú, khá truyền cảm hứng, giống như bạn đang làm việc trong một bảo tàng về minh họa vậy.  Hầu hết các tranh thời kỳ đầu tôi vẽ những thứ gần gũi xung quanh, con người và nơi chốn tôi từng biết. Khi đó tôi chỉ cảm thấy thoải mái với những thứ như vậy, và không muốn đi xa hơn. Tôi có thể tái hiện hình ảnh rất tốt, nhưng những kỹ năng đầy đủ để sáng tạo nguyên bản những hình ảnh chỉ có trong tưởng tượng thì vẫn chưa có đủ." Anh cũng học được bài học giá trị khác, giúp cho việc dấn sâu vào vẽ poster điện ảnh sau này, đó là mọi thứ trên tranh đều phải nịnh mắt. "Tôi không thể vẽ được bất cứ thứ gì mà khiến một ai đó phải thấy khó chịu khi xem tranh" Berkey nói: " tôi phải tạo ra những hình ảnh mà mọi người muốn nhìn ngắm thật lâu."


John lập gia đình năm 1956 với Damaris Wahl (Demi), và vào năm 1962 họ cùng xây nơi mà sẽ mãi mãi là nhà của Berkey tại Excelsior, Minnesota, cũng là nơi John đã trưởng thành. John và Demi có 4 người con, 3 trai và một gái, đôi khi ông cũng nhờ các con làm mẫu vẽ. Để hướng đến làm việc tại nhà, năm 1964 hợp đồng với Frank A.Lavaty làm đại diện cho ông tại New York và bắt đầu sự nghiệp minh họa tự do cho một số khách hàng từ studio tại tầng hầm gia đình ông, trong thời gian đó ông vẫn tiếp tục cung cấp tranh minh họa làm lịch. "Ngay từ đầu thì tôi đã muốn được minh họa bìa tạp chí và sách, bởi vì nó là những thứ mà tôi đã quen thuộc, lớn lên cùng trong quá trình hình dung về công việc khi trưởng thành, đó cũng là nguồn tranh minh họa đa dạng nhất của thời đấy. Tôi thấy may mắn vì có nhiều khách hàng với những chủ đề đủ loại."       

3000 BỨC TRANH
Nổi tiếng với phong cách gần với tranh Ấn tượng và tiếp nối truyền thống tranh hiện thực, bút pháp mạnh mẽ, chắc chắn, người ta ước tính John Berkey đã vẽ trên 3000 bức trong cả sự nghiệp. Ông thường bắt đầu bằng phác thảo bút mực sau đó là một loạt các phác thảo màu rồi gửi cho art director hoặc người phụ trách nội dung để họ duyệt. Tranh ông có mặt trên bìa sách, poster phim (như The towering inferno, Orca, Superman III...), các ấn phẩm như National Geographic, Life, Time, Road & Track, Newsweek, Omni, Discover, Good Housekeeping, General motors, Popular Mechanics, Control Data, TOR Books, 3M, catalog cho Eddie Bauer (hãng quần áo, phụ kiện nổi tiếng thành lập từ 1920 - ND), Paramount pictures, Honeywell, Science Fiction Age, Realms of Fantasy, Doubleday Books, IBM, Playboy, CBS, Dell, và Luscasfilm Ltd. Và đó chỉ là số ít.

Hình minh họa của ông có trên 16 con tem, trong số đó nổi tiếng nhất là con tem "Elder Elvis" tham gia cuộc thi vẽ tem đầu thập niên 1990. Từ 1975 đến 1988 Berkey vẽ 16 hình minh họa bìa lẫn trang trong cho TV guide của HBO, Showtime, MTV, BBC, UFOs v v... Từ năm 1984 đến 2003 Berkey vẽ gần 35 tranh bìa và tranh minh họa cho tạp chí Popular Mechanics, tất cả với chủ đề thiết kế tương lai của máy bay, thuyền, các công trình giả tưởng, các minh họa này thực sự rất đẹp và sáng tạo. Berkey cũng thích phác thảo hàng trăm hình hoạt hình, dù chúng được cất giữ trong bộ sưu tập gia đình mà chỉ bạn bè thân thiết mới từng được thấy.

BERKEY VÀ TRANH VỀ THẢM HỌA
Chủ đề mà Berkey đã vẽ thực sự rất rộng lớn, bao gồm nhiều bức về các sự kiện thời sự như thảm họa sóng thần, động đất, các tuyến đường cao tốc sụp đổ, và thậm chí minh họa câu chuyện về Qaddafi trên Reader's Digest năm 1990. Năm 1986 Berkey minh họa bi kịch Tàu con thoi Challenger đã phát nổ trên bầu trời Đại Tây Dương, đăng trên tạp chí Discover, tiếp sau đó là poster tưởng nhớ sự kiện trên với hình minh họa tàu Challenger mới rời bệ phóng.



KING KONG
Có lẽ poster phim nổi tiếng nhất của Berkey phải kể đến bức ông vẽ cho phim King Kong làm lại năm 1976, bức Kong đứng trên nóc Tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (sụp đổ trong sự kiện 11-9 - ND). Dù minh họa gốc là để làm poster phim, nhưng rồi người ta đã in nó trên cốc cafe, ga trải giường, áo phông, sổ tay, và thậm chí là hình cut-out khổng lồ cao hơn 12m (40 feet) dùng trong chiến dịch marketing quy mô nhất trong lịch sử cho tới thời điểm đó. Berkey mất gần 1 năm để thực hiện những minh họa cho chiến dịch này, về cuối giai đoạn, ông bị lao lực và mắc chứng viêm phổi. Sau này, John khá thất vọng khi nhà các poster King Kong ở nhiều tình huống khác nhau lại có chung 1 cái đầu ở một góc nhìn cố định, do bên sản xuất tự ý cắt ghép 1 góc nhìn đầu Kong cho nhiều poster khác nhau, trong khi thực tế ông đã vẽ Kong ở ở nhiều góc view khác nhau tùy theo từng bối cảnh.



THE TOWERING INFERNO
Berkey là một người rất thân thiện và ăn nói nhẹ nhàng, nhưng ông rất ít khi đi du lịchrất sợ độ cao. Bởi thế mà khi được mời đến New York để chụp ảnh tư liệu cảnh Tháp đôi ông đã từ chối thẳng thừng - thậm chí là chỉ nhìn ảnh chụp từ trên không cũng khiến ông bị chóng mặt! Đầu những năm 1970, khi Berkey phải đến California để xem mô hình tòa nhà chọc trời trong The Towering Inferno ở giai đoạn Tiền sản xuất, dù mất công đến trường quay nhưng ông phải nhờ người leo lên thang nâng (Cherry picker) để chụp ảnh phối cảnh tòa tháp từ trên cao mà sau này sẽ được dùng làm tham khảo cho hình vẽ poster. Berkey cũng có cơ hội được tham giao sản xuất tác phẩm kinh điển của Stanley Kubrick năm 1968 là 2001: A space Odyssey, nhưng ông đã từ chối vì phải chuyển đến Anh trong thời gian sản xuất.

STARWARS 
Berkey có lẽ được biết đến nhiều nhất với những tranh minh hoạ sci-fi từ những năm 1967, đặc biệt như các minh hoạ bìa cho Star science fiction (bản tái bản) do Frederick Pohl biên tập. Trong số những người bị ấn tượng mạnh bởi những minh hoạ này có George Lucas, từ đó đã mời Berkey cộng tác trong giai đoạn thiết kế tiền sản xuất (pre-production design) cho tập đầu của series Starwars. Minh hoạ bìa của Star SF số 4 còn được cho là đã truyền cảm hứng tạo nên thiết kế của Death star. Theo lời kể của Berkey thì phần hình ảnh của Starwars đã bắt đầu ngay trong khi Lucas đang viết kịch bản cho tập phim đầu tiên. George Lucas đã mua một số bức vẽ sci-fi của ông để làm tham khảo cho phần bối cảnh. Tuy nhiên về sau do một số vấn đề rắc rối liên quan tới bản quyền và cạnh tranh giữa 20th Century Fox và Universal Studios với 2 sản phẩm cùng chủ đề lẫn thời điểm là Star wars và Battlestar Galactica (giai đoạn 1977), mà Berkey đều dính dáng mỗi bên một ít, dẫn tới đóng góp của ông cho Starwars chỉ dừng lại ở minh họa bìa sách và poster cho album soundtrack năm 1977, Berkey không có cơ hội được tham gia sâu hơn vào quá trình thiết kế tiền kỳ mà theo ông là "phần mà tôi thích hơn" và "sẽ thật tuyệt nếu ngày nay được kể là đã từng thiết kế sản xuất cho Starwars phiên bản gốc"



Góc dưới - phải: Minh họa gốc cho bìa của cuốn Star science Fiction 4, 1971 của John Berkey (khối cầu được cho là truyền cảm hứng tạo nên Death star). Chất liệu Casein trên bản gỗ (Casein on board) 

HÌNH QUẢNG CÁO CHO HÃNG OTIS CỦA BERKEY
Một trong những chiến dịch quảng cáo đáng nhớ nhất của Berkey là loạt tranh minh họa thành phố tương lai ông vẽ cho hãng thang máy Otis giữa thập niên 1970. "Tất thảy có 9 minh họa, 6 bức rất hiếm khi thấy lại từ khi nó được xuất bản. Một trong số chúng là cảnh Cảng hàng không trong tương lai mà Berkey cho là giống một chú vịt khổng lồ đang ngồi ấp trứng, liên tưởng thú vị mà ông nghĩ ít người để ý. Một bức khác tạo liên tưởng rõ ràng hơn với chiếc tàu giống hình một con heo trên hồ nước, ông kể là có lần một nhà thầu xây dựng ở Texas đã viết thư hỏi xin ông bản thiết kế thi công (blueprints) của công trình này vì nghĩ là nó có thật hoặc chí ít được thiết kế đủ để xây dựng được. Những viễn cảnh, hình dung mà ông tạo ra cho quảng cáo của hãng Otis cũng đã truyền cảm hứng cho George Lucas khiến ông này vào năm 1977 đã thuê John làm việc cho dự án Starwars. 10 bức tranh về thành phố tương lai cũng được thực hiện cùng thời điểm và in trong bộ Colad Flexiprint Folder.  


SỰ THẤT VỌNG VỚI POSTER PHIM
Đáng tiếc là Berkey ngày càng cảm thấy không thoải mái khi làm việc cho các studio phim. Ông vẽ một só phác thảo cho vài tập Star Trek, nhưng studio không ưng phần lớn, họ chọn được một bức rồi đưa cho họa sĩ khác vẽ lại, bức đó sau trở thành poster chính thức được sử dụng. Thậm chí poster Orca của Berkey còn bị kiện vì cho là dùng lại hình ảnh con cá mập trong Jaws (chẳng lẽ người ta không phân biệt được cá voi sát thủ với cá mập?) Rồi đến minh họa Battlestar Galactica bị kiện bởi công ty sản xuất Starwars, khiến Berkey không được có thêm liên quan gì tới các dự án Starwars từ đó về sau. Tất cả những rắc rối này khiến ông cảm thấy không còn hứng thú với việc minh hoạt poster phim nữa.



Hết phần 1/2 
Lê Long dịch từ  Illustration magazine. Số 36 năm 2012. Bài viết "The many worlds of John Berkey"

Wednesday, May 17, 2017

Hành trình Mahler - Giao hưởng số 1/10


A Mahler journey trên BBC music magazine từ năm 2010 khá hay vì ngắn gọn nhưng ấn tượng, trước đây có dịch nhanh được khoảng hơn một nửa (6 giao hưởng), đến giờ mới tìm lại được Tạp chí gốc để đối chiếu và dịch nốt phần còn lại (10 giao hưởng). Thời đó mới chỉ hứng thú với số 2,6, một phần số 9, ngoài ra muốn tìm hiểu Mahler vì rõ là "đối thủ nặng ký" nhất của Shostakovich. Sau một thời gian dài đã có điều kiện nghe nhiều và tự nhiên hơn, những thiên kiến ban đầu cũng không còn nữa, chỉ đơn giản là vui với việc khám phá thêm một "hệ mặt trời" mới, nguồn nhạc dồi dào với chất lượng được đảm bảo, đáng công cày mà ko sợ thất vọng. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn bản số 10 và 8 vẫn còn khá mơ hồ (ngại nghe số 8 vì cái vẻ ngoài phù phiếm thừa mứa và chủ đề sáo rỗng của nó - hy vọng cũng chỉ là cảm tính vớ vẩn :D). Chắc sẽ chia thành nhiều bài nhỏ post dần...

***
Dần tìm hiểu 10 bản giao hưởng của Mahler là một hành trình đặc biệt. Để ghi dấu 150 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc người Áo này (bài viết năm 2010), chúng tôi đã nhờ 10 nhạc trưởng, mỗi người đưa chúng tôi đi lướt nhanh qua từng giao hưởng, khám phá thế giới với những cao trào cảm xúc, kỹ thuật phối khí dàn nhạc chói sáng và óc sáng tạo gây ngỡ ngàng.

Với Mahler, các giao hưởng và ca khúc là tất cả những "viên đá góc" - những ý tưởng nguyên gốc, là nền tảng cơ bản, hệ quy chiếu cho toàn bộ hệ thống tác phẩm của ông. Bởi cách Mahler ôm lấy cả thế giới, phản ánh chúng trong hệ thống tác phẩm như một tổng thể hoàn chỉnh và duy nhất, đồng nhất trong một hệ quy chiếu. Chỉ có Shostakovich, với hệ thống 15 giao hưởng cũng như Tứ tấu  cùng số lượng của ông, mới có một sự liên kết nội tại bên trong chúng với một hành trình âm nhạc như vậy. Nhưng Shostakovich hiếm khi sử dụng cùng một tham chiếu cho nhiều bản giao hưởng. Đó là một hệ thống đa dạng với ít yếu tố được sử dụng lại. Với Mahler thì khác, mỗi giao hưởng của ông là một công trình mới mà được dựng nên từ cùng những "viên gạch" cũ (dù chính ông chỉ đến cuối đời mới nhận ra điều này)

Từ Das Klagende Lied (Bài ca than vãn), là cantata viết năm 1880, được Mahler thử nghiệm và xem như tác phẩm số 1 (Opus 1), cho đến Giao hưởng "chống lại cái chết" - số 10 là khoảng thời gian 30 năm.... trong suốt thời gian đó ko có một lần nào ông chọn sai  nguyên vật liệu để làm nên các công trình của mình (hay là chọn khác đi). Những phiến đá lót nền, thường được liên hệ từ các ca khúc trước đó, gắn kết làm nên những nền đá quy mô hơn và cuối cùng là tỏa sáng dưới vẻ kỳ vỹ của những tp cuối đời, tất cả đều tiến tới một tầm cao nơi cái nhìn toàn cảnh về cái chết đang đến gần ở nhiều góc độ khác nhau.

Khi triết học được ông đào sâu và mở rộng hơn, thì đồng thời ông cũng đặt biệt chú tâm đi sâu vào phối khí dàn nhạc.Không tác phẩm nào (trong lịch sử âm nhạc) mà cũng cấp cho dàn nhạc những trải nghiệm về sự huy hoàng, rực rỡ và trình độ điêu liệu của dàn nhạc xuyên suốt thấu đáo như các giao hưởng Mahler. Nó cũng là phép thử thực sự cho một nhạc trưởng và dàn nhạc của ông ta khi nỗ lực trình diễn toàn bộ 10 giao hưởng trong một mùa diễn. Tại sao? bởi những tác phẩm bậc thầy đó cần phải được sắp sếp, cân nhắc 1 cách có hệ thống, suy nghĩ, trao đổi qua một tiến trình của cuộc đời. Hãy để cuộc tranh luận bắt đầu...

***


Giao hưởng số 1 (Symphony no.1 in D major)
Bình minh của người khổng lồ - khởi đầu của bộ liên khúc giao hưởng
David zinman chỉ huy dàn nhạc Tonhalle Zurich

Với tôi đây là chương đầu của cuốn tiểu thuyết dài mà kết thúc là giao hưởng số 10 dang dở. Giao hưởng số 1 được ra đời từ những ca khúc thời kỳ đầu mà Mahler viết, và đây là mấu chốt quan trọng để hiểu được phong cách của ông. Nếu ai muốn hiểu về giao hưởng Mahler, hãy đến với các ca khúc. Ông đã dùng ít nhất 3 ca khúc ở đây, và nó cũng mang dấu ấn của Das Klagende Lied (khúc thán ca).  Mahler đã viết tác phẩm trong thời gian dài, ko ngừng chỉnh sửa nó. Ban đầu được viết gần như phong cách Schubert; dành cho dàn nhạc nhỏ. Nhưng khi ông tới Opera Budapest, ông đã khiến nó có quy mô lớn hơn khi có sẵn nhiều nhạc công trong tay. Mahler luôn nuôi ý tưởng ưu ái những bài thơ dân ca chất phác, và tiểu thuyết Titan của Jean Paul cũng là nguồn cảm hứng (dù sau này nhạc sĩ không khuyến khích việc liên hệ với bất kỳ điều gì liên quan đến tiểu thuyết này - ND). Ý tưởng về chương thứ 5 đã được hình thành nhưng rồi bị loại bỏ vì tác giả cảm thấy ko hiệu quả.

Moritz von Schwind (1804-71): Tranh khắc gỗ "Bầy thú an táng người thợ săn ra sao"







Bản giao hưởng mở màn
ở một nốt cao - âm La (A), kéo dài trong khoảng 50-60 nhịp. Chủ đề ở giọng La xuất hiện như buổi bình minh chậm dãi nhưng dần choáng ngợp, thế giới thức tỉnh với tiếng kèn cor xa xăm phụ họa bởi tiếng chim hót. Mahler gọi đó là "mùa xuân bất tận". Đoạn mở đầu này là một trong những thứ khó nhất để thể hiện đúng - sự cân bằng giữa hợp âm từ những nốt thấp nhất cho đến những nốt cao nhất.

Chương 2 được Mahler mô tả "with full sails" (căng buồn lên, hoặc với tất cả tốc độ và năng lượng) nó là 1 chương Scherzo hài hước, một vũ khúc thôn dã (Landler) tuyệt đẹp - trình bày gần ở thể Tam tấu. Chương này dẫn đến phần Hành khúc tang lễ lôi cuốn một cách khôi hài.

Chương 3: Hành khúc tang lễ - Lễ mai táng người đi săn, dựa trên một tranh khắc gỗ gồm một đám thú vật đang rước 1 quan tài đi dọc khuôn hình, vừa chơi nhạc klezmer (nhạc chơi trong đám cưới hoặc hội hè của các nhạc công Do thái vùng Đông Âu - ND) trên đường phố. Đó cũng là lần đầu âm nhạc trần tục, thông tục được đưa vào trong giao hưởng. Chương nhạc mở đầu với bè bass solo tuyệt vời, như ca khúc "Frere Jacques" (bài hát thiếu như Pháp quen thuộc) ở giọng thứ u buồn, ta có thể thấy quãng 4 giảm âm đã thành biểu tượng trong âm nhạc Mahler như đại diện cho chính ông, chương nhạc kết thúc với ca khúc tiễn biệt do dàn dây diễn tấu khi người thợ săn được yên nghỉ.

Rồi bất ngờ toàn bộ địa ngục mở toang. Mahler mô tả chương cuối này như là từ địa ngục tới thiên đàng, Hợp âm mở màn như vỡ tung chói lòa. có thể làm khán giả nghe lần đầu bật dậy khỏi ghế, thật sự kinh hãi. Phần kết của Giao hưởng số 1 ở giọng Rê trưởng thực sự tráng lệ, với vẻ đẹp tuyệt diệu, hân hoan chiến thắng.

Lê Long/ nhaccodien.info/nhaccodien.vn dịch từ BBC music magazine số tháng 7/2010

Wednesday, April 26, 2017

Mass Xi thứ /Mass in B minor - *JS BACH A life in 10 masterpieces*

Ảnh: Chi tiết tượng Pieta - Michel Angelo - Nguồn Internet
-
Có thể nói với Mass xi thứ, công việc của Bach phần lớn là biên soạn chứ không phải sáng tác. Tác phẩm được tạo nên từ 3 bản mass mà Bach đã viết trong các giai đoạn trước đó: Một Sanctus từ năm 1724, một Kyrie và Gloria soạn cho Dresden năm 1733. Các yếu tố âm nhạc còn lại đa phần cũng được góp nhặt từ các cantata đã có sẵn, và chỉ có một vài đoạn là được sáng tác riêng trong quá trình hoàn thiện Mass xi thứ, diễn ra vào những năm cuối đời của nhạc sĩ. Coi như ông đã chọn lọc và tạo ra một tác phẩm tổng kết tất cả những phong cách chorus và aria (hợp xướng và ca khúc) nhạc sĩ đã nghiên cứu trong suốt sự nghiệp: ông rút ra những phần hay nhất trong các cantata bằng tiếng Đức của mình, bảo tồn nó bằng cách sắp xếp chúng thành một thể thống nhất được hát bằng tiếng Latin, ngôn ngữ có tính chất nguyên bản và phổ quát, mãi mãi với thời gian hơn tất cả các ngôn ngữ khác.
-
Mass xi thứ tuyệt vời không chỉ ở sự đa dạng, mà tài năng của Bach thể hiện trong khả năng gắn kết các chương nhạc vốn từ nhiều nguồn hỗn tạp, thống nhất chúng lại dưới phần lời được viết mới, trở thành một tác phẩm quy mô ở trạng thái gắn kết hoàn hảo, không tì vết.
-
Ai có thể  đoán được rằng âm nhạc bi thương của phần Crucifixus được rút ra từ cantata Weinen, Klagen, Sorgen, Zagen (BWV12) (Khóc than, tuyệt vọng) đã ra đời từ 30 năm trước đó, giờ đây được tiếp nối bằng sự tái sinh huy hoàng (chương 6. Et resurrexit), được đặt trang trọng mang tính biểu tượng hoàn hảo ở trung tâm của phần Credo mà ông đã thiết kế hết sức đăng đối. (Crucifixus là chương thứ 5/9 chương của phần Credo - ND) 
-
Tại sao Bach lại tạo ra một tác phẩm như Mass xi thứ? Trong khi nó không thể được dùng trong bất cứ chương trình hoạt động nào của nhà thờ Lutheran nơi ông đang phục vụ, bởi với thời lượng khoảng 2h đồng hồ là quá dài cho bất kỳ nghi lễ nào của nhà thờ công giáo. Cách giải thích khá thuyết phục là Bach dự tính biến Mass xi thứ trở thành tác phẩm cuối đời tổng kết lại nghệ thuật của ông, một thứ di chúc, di sản âm nhạc vô giá. Do đó mà đa số đều đồng tình coi đây là tác phẩm tham vọng nhất trong tất cả các sáng tác của ông, dù có thể chính ông cũng không nghĩ là nó sẽ được biểu diễn trọn vẹn tất cả các phần trong khi còn sống. Bach đã lựa chọn những gì tốt nhất và truyền lại di sản tối thượng của mình cho chúng ta.
-
Lê Long/ nhaccodien.info/vn trích dịch từ JS BACH A life in 10 masterpieces - Simon Heighes - BBC music magazine số tháng 12/2016.

Thursday, February 9, 2017

Shostakovich timeline/ 1919-1923

Quảng trường nhà hát và nhạc viện St.Petersburg 1913

1919

  • Gặp A. Glazunov
  • Vào học nhạc viện Petrograd (Petrograd conservstoire)
  • Sáng tác Scherzo cho dàn nhạc, Op.1 (‘Scherzo for Orchestra’ op. 1)
"Thầy Ziloti kết luận là tôi không thể có tương lai sự nghiệp gì hết vì ko có khả năng âm nhạc. Tôi đã khóc cả đêm hôm đó... cảm thấy rất đau khổ.  Thấy vậy, mẹ tôi đã đưa tôi đến gặp A. Glazunov..."
(Trích từ  D. Shostakovich: “About Time and Myself”).


"Glazunov nói rằng tôi nên theo học sáng tác, và ông thuyết phục bố mẹ tôi nên để tôi học sáng tác đồng thời với piano"
(D. Shostakovich “Tự thuật”, “Sovietskaya Muzyka”, 1966, No.9, p.24).


"Hằng ngày tôi thường phải đi bộ tới nhạc viện. Xe điện không hoạt động hoặc khi nó chạy thì ko có gì đảm bảo và ít nhất là bạn phải chen lấn hết sức khó khăn.
Nhạc viện vào lúc đó rất lạnh vì ko đc sưởi. Trong lớp hoặc trong phòng hoà nhạc mọi người phải mặc nguyên áo khoác... dù với vô vàn khó khăn, nhạc viện vẫn sôi nổi với nhiều hoạt động, với bầu không khí sáng tạo đặc trưng của thời đó...
(D. Shostakovich. “Về chặng đường tôi đã đi qua” “Sovietskaya Muzyka”, 1956, No.9, p.10).


Valerian Bogdanov-Berezovsky:"Shostakovich vào nhạc viện Leningrad vào tháng 9 năm 1919. Lúc đó mới chỉ 13 tuổi. Mẹ cậu dắt tay đến buổi phỏng vấn thi thử, mang theo một tập gồm bản thảo 8 preludes, cũng là tác phẩm mà cậu sẽ biểu diễn.
Mùa thu năm đó rất căng. Thời gian này nói chung là khó khăn mọi mặt. Mọi thứ đổ nát, cuộc nội chiến đang đến cao trào và vào ngày kiểm tra đầu vào (phòng thi ngay đối diện cửa phòng giám đốc nhạc viện) cửa sổ vẫn rung lên trước những đợt pháo từ Kronstadt Fort (pháo đài của Hải quân trên Vịnh Phần Lan gần Petrograd-ND) và các tàu chiến hạm đội Biển đen (Baltic Fleet) đang kìm hãm bước tiến của tướng Yudenich đang cố tiếp cận Petrograd.
Nếu bạn nhìn vào hình ảnh của Shostakovich những năm đó, sẽ khó có thể đoán đúng tuổi của cậu, khi đó trông vẫn như một cậu bé nhưng biểu cảm trên khuôn mắt... ẩn chứa những suy nghĩ chắc chắc và tính cách thâm trầm...
Dù trong bối cảnh rối ren của thời đó, bạn có thể cảm nhận, tin chắc rằng con người bé nhỏ này sẽ làm chủ cuộc sống của cậu ta. Cậu đang lên kế hoạch, xây dựng nó, xác định chắc chắn những hành động cần làm... tất cả những thứ bạn cần có ở một người trưởng thành rắn rỏi.
(Phỏng vấn Berezovsky bởi O. Dvornichenko).


Chân dung Glazunov và Rimsky Korsakov

"Thật tuyệt khi được là một trong những khách mời có mặt tại đây, chứng kiến cảnh một cậu bé với đôi môi mím chặt, một cái mũi hơi khúc khuỷnh, dưới cặp kính lỗi thời bằng khung kim loại bước đi qua căn phòng. Không nói một từ trong lúc  nghiêm cẩn chuẩn bị mọi chi tiết trước cây đại dương cầm. Thật tuyệt bởi sự kết hợp của những tương phản kỳ quặc, cậu bé gầy gò này trước đàn piano đột ngột trở nên một nghệ sĩ đầy uy lực đang làm chủ giai điệu bằng với những ngón tay chắc chắn trên phím đàn.
Cậu chơi các sáng tác của chính mình với tinh thần hiện đại mới mẻ, âm nhạc sinh động khi thì giàu tính kịch, với những hoạt cảnh đa dạng và nhiều cảm xúc trái ngược. Khi thì như những cuộc trò chuyện phiếm, tinh nghịch thoảng qua. Và đôi khi giữa đám âm thanh vô điệu tính, nổi lên một giai điệu ấm áp, đưa chúng ta trở về.
Khi màn trình diễn kết thúc, cậu lại lặng lẽ đứng dậy và ngại ngùng quay lại chỗ mẹ, người đang xúc động mỉm cười như thể tràng pháo tay từ khán giả là dành cho chính bà. Khi được khán giả nồng nhiệt yêu cầu chơi tiếp, cậu bé ngồi im trên ghế, 2 tay để lên đùi gần đầu gối, đầu hơi cúi dù ánh mắt vẫn rất lanh lẹ dưới cặp kính,  cho đến khi mẹ cậu nói " Thôi nào, Mitya, chơi thêm chút nữa nhé". Mitya sẽ lại đứng dậy và bước đi rất kiểu trẻ con trở lại đàn. Và khi chạm tay vào bàn phím, cậu lại như một người đàn ông trưởng thành.
Những ai có khả năng dự báo tương lai, có thể cảm nhận được Shostakovich rồi sẽ bước vào thế giới đa chiều tinh vi của cậu trước những yêu cầu đa dạng hay thay đổi của thời cuộc.
(Trích “Gorky trong chúng ta” của Konstantin Fedin).


***
1920-1921

  • Những năm ở nhạc viện.
  • 8 tháng 5 năm 1920: Shostakovich biểu diễn Preludes op.2 tại Triển lãm tranh của Kustodiev tại Trung tâm nghệ thuật (đại loại như Nhà văn hóa của khu vực nhất định - ND)
  • Mùa thu năm 1920: Chuyển sang lớp piano của L.Nikolayeva.
  • 1921: Buổi trả phỏng vấn đầu tiên đăng trên tờ "Zhizn iskusstva"

Review đầu tiên đăng trên báo về Shostakovich:
"Buổi hoà nhạc của Shostakovich, nhạc sĩ kiêm pianist trẻ, đã gây ấn tượng mạnh lên công chúng. Anh chơi Bach (Prelude và Fugue giọng La giáng cho organ chuyển soạn bởi Liszt) và "Appassionata" của Beethoven. Tiếp theo là những sáng tác của anh. Các tác phẩm thể hiện sự tự tin vào xu hướng âm nhạc hiện đại, rõ ràng anh là một nhac sĩ  thấu hiểu nghệ thuật của mình với sự sâu sắc quả quyết, nhạy cảm tinh tế."
(Trích từ bài viết trên báo Zhizn iskusstva, 1921).


M. Gorky và Chaliapin (giọng bass huyền thoại của Nga giai đoạn trước CM)

Cuộc trò chuyện giữa GlazunovM. Gorky"Chúng tôi cần thêm khẩu phần thực phẩm nữa. Cho một cậu sinh viên, còn rất trẻ, sinh năm 1906.
Một nghệ sĩ phát triển sớm ư? Violinist, hay pianist?
Một nhà soạn nhạc
Mới 14 tuổi, phần lớn do bà mẹ dạy. Cậu ta vừa cho tôi xem các tác phẩm tự sáng tác.
Anh thích nó chứ?
Khá nổi loạn! Thực ra là thứ nhạc tôi thấy khá khó nghe.
Vậy thì sao anh lại đến đây?
Tôi ko thích những sáng tác đó, nhưng đó ko phải là vấn đề. Rồi thời gian sẽ trả lời, và sắp tới sẽ là thời của những người như cậu ta. Đó sẽ là âm nhạc của tương lai.
Tên là gì vậy?
Shostakovich
(V. Shklovsky. “Once upon a time...”, “Sovietskii pisatel”, Moscow, 1966, p.164).


Lần đầu tôi gặp Dmitri Shostakovich tại nhà chúng tôi... vào 11 tháng 1 năm 1920.
Ban đầu chúng tôi chỉ ngồi im, rồi bắt đầu chơi mô hình tàu hoả. Mitya mau chóng chán và đi về phía piano và đánh phần mởi đầu của Tannhauser
Cậu ta xuất hiện như vẫn thường thấy về sau: chút gì đó xa cách, khó nắm bắt, mơ hồ, mái tóc rối và giấu cặp mắt dưới lớp kính dày.
(Rozanov. “Memories of D.Shostakovich”).


Vào mùa thu chúng tôi kỷ niệm sinh nhật của Mitya...
Glazunov cũng đến ngồi cùng bàn với chúng tôi
. Dáng người ông cao lớn kềnh càng và có cách nói chuyện rất thoải mái khiến cho buổi tối trở nên ấm áp và tự nhiên.
Rồi ông muốn mọi người yên lặng để phát biểu, ông có vẻ xúc động trước khi nói
"Tôi chắc rằng chúng ta tụ họp ngày hôm nay để tôn vinh và cầu chúc sức khoẻ cho người nhạc sĩ trẻ.
Rồi ông nhìn về phía Mitya với cái nhìn của người cha, chậm rãi nói
"Chúc sức khoẻ và điều tốt đẹp cho nhạc sĩ với những giao hưởng tương lai"
Rồi ông bắt tay Mitya thật chặt và nồng nhiệt.
(E. Trusova, “Pages of Reminiscences” “Sovietskaya muzyka, 1976, No.9, p.107).


Ảnh trái: Lunacharsky - chân dung vẽ bởi Yury Annenkov)
Ảnh phải: Bộ trưởng bộ giáo dục - Lunacharsky và nhà thơ Maiakovsky, 1920s


August 16, 1921
K. Lukashevich:
"Tôi có một đề nghị mong anh có thể tăng khẩu phần ăn cho một cậu bé tài năng nổi bật, một pianist và nhà soạn nhạc. Dmitri Shostakovich, 14 tuổi. Cậu đã thể hiện tài năng đặc biệt từ năm lên 9, có trí nhớ âm nhạc đáng kinh ngạc, cao độ hoàn hảo, có kiến thức rộng về âm nhạc cho piano và đã sáng tác nhiều tác phẩm được biểu diễn rộng rãi trước công chúng. Cậu ta rất chăm chỉ và đang ko ngừng tiến bộ. Trong khi chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn, nguy cơ đói ăn hàng ngày đang ảnh hưởng đến sức khoẻ của bọn trẻ mà trong đó có cậu Mitya vô cùng đặc biệt này.
Không đủ dinh dưỡng (cậu ta chưa từng được có sữa, trứng, thịt, đường và nhất là bơ) khiến cậu gầy và nhợt nhạt. Gây ra chứng bồn chồn, và nhất là phải chiu đau đớn từ việc thiếu sắt. Mua Thu đã bắt đầu mà ko có giầy hay quần áo ấm đủ. Chúng tôi lo lắng cho tương lai của cậu.
Dù rất yêu con nhưng cha mẹ và người thân của ko thể lo đủ được những thứ thiết yếu để cậu tiếp tục phát triển tài năng. Cậu sẽ được khẩu phần của sinh viên, nhưng gần đây không còn nhiều suất và vẫn chưa đủ, cụ thể là với 2 thìa đường và nửa pound thịt lợn trong 15 ngày (?!).
...
Một lần nữa tôi chân thành mong anh chú tâm đến cậu bé tài năng đặc biệt này. Cậu ta ko thể phát triển nếu thiếu thực phẩm thiết yếu"
(Trích thư của K. Lukashevich gửi A. Lunacharsky*)


*Lunacharsky là chính ủy phụ trách về văn hóa giáo dục giai đoạn từ sau cách mạng đến 1928, giai đoạn phát văn hóa giáo dục Soviet với nhiều thử nghiệm mới tích cực - ND


***1922

  • Cha Shostakovich qua đời
  • Theme with Variations for orchestra (op. 3) (Biến tấu trên một chủ đề sáng tác cho dàn nhạc)
  • Two Fables of Krilov with voice and orchestra: “The Dragon-fly and the Ant”; “The Ass and the Nightingale” (op. 4). (Sáng tác cho giọng hát và dàn nhạc: "Chuồn chuồn và kiến", "Con lừa và chim họa mi" Op.4, dựa trên 2 chuyên hoang đường của Krilov)
  • Three Fantastic Dances for Piano (op. 5). ( 3 vũ khúc phóng túng cho piano op.5)
  • Suite for Two Pianos (op. 6). (Tổ khúc cho 2 piano Op.6)
1920 ... “tài năng âm nhạc và trình diễn xuất chúng...”
1921 - “một trường hợp phát triển sớm gây kinh ngạc...”
1922 ... “ một nghệ sĩ với tài năng xuất chúng... luôn gây xúc động đến kinh ngạc..."
(Nhận xét của Hiệu trường nhạc viện Petrograd ( Petrograd Conservatoire), A. Glazunov, về D. Shostakovich).


Đoàn diễu hành trên phố với mô hình gỗ Tượng đài Quốc tế thứ 3 của Tatlin


Leo Arnshtam:
"Chúng tôi rất hạnh phúc... có những thời điểm với tâm trạng đặc biệt như vậy, bầu nhiệt huyết mang con người xích lại gần nhau hơn... Mayakovsky khi đó đã viết "Mệnh lệnh cho đội quân nghệ thuật": "Đường phố là cọ vẽ, những quảng trường là bảng pha màu... Mang piano ra phố". Piano thực sự đã được các sinh viên nhiệt huyết mang ra phố..."
Xe tải chở đàn cùng với sinh viên nhạc viện, mà Shostakovich cũng nằm trong số đó, đổ ra các con phố, họ chơi nhạc và diễn thuyết khắp nơi... thứ khiến cho cuộc cách mạng âm nhạc thực sự có ý nghĩa...
(Leo Arnshtam trả lời phỏng vấn O. Dvornichenko.)


***
1923

  • Tốt nghiệp khoa piano nhạc viện Petrograd
  • Chơi piano tại rạp chiếu phim hay đệm nhạc cho phim ( giai đoạn phim câm, âm nhạc cho phim thường ko được sáng tác riêng hay có sẵn, mà một nhạc công sẽ đệm đàn phụ họa trực tiếp cho cảnh phim - ND), các rạp   “Bright Reel”, “Splendid Palace” (rạp ở Riga, Latvia?! xây dựng năm 1923 - ND) and “Picadilly” (?!).
  • Đợt ốm và chuyến đi tới Crimea (Crưm)
  • Viết  Scherzo for Orchestra (op. 7). (Scherzo cho dàn nhạc op.7)
  • 13-12... Lần đầu biểu diễn Trio Op.8
"Màn trình diễn của Shostakovich rất ấn tượng dựa trên sự tự tin vững vàng của một thiên tài. Điều đó không chỉ đúng với lối biểu diễn mà còn với cả khả năng sáng tác của anh. Trí tưởng tượng phong phú, thuyết phục đáng ngạc nhiên và sự quả quyết tin vào sáng tác của bản thân... tất cả có ở chàng trai mới 17 tuổi
(‘Teatr’ (Tờ "Sân khấu"), 1923, No.12).


"Để được nhận vào làm ở rạp chiếu phim tôi phải thực hiện một bài test. Đầu tiên họ yêu cầu chơi "The Blue waltz" (Danube xanh?) rồi sau đó là một đoạn nhạc mang màu sắc phương Đông. <...> Bài test diễn ra suôn sẻ và đến tháng 11 tôi bắt đầu chính thức được nhận vào làm ở rạp "Bright reel".
(D. Shostakovich “Autobiography” “Sovietskaya muzyka”, 1966, No.9, p.25).


July 23, 1923
Glazunov:
Tôi xác nhận rằng D. Shostakovich, tốt nghiệp nhạc viện Petrograd, sở hữu tài năng âm nhạc vượt trội và phong phú. Đã thành thục các kỹ thuật sáng tác từ rất sớm với năng lực sáng tạo ấn tượng, dù mới chưa tới 17 tuổi.
Ngoài ra cậu còn là một pianist tuyệt vời. Không nghi ngờ về một tương lai âm nhạc chói sáng. Tuy nhiên, thật tiếc là hiện tại sức khỏe cậu ko được tốt, với một số triệu chứng của bệnh lao đã được các bác sĩ khám và khuyên nên gửi câu đến Crimea để chữa trị. Tôi rất mong anh có thể lập tức xem xét khả năng giúp đỡ nghệ sĩ trẻ này, giúp cậu có điều kiện chữa trị cần thiết và hồi phục nhanh chóng. Nếu có vấn đề gì với cậu thì sẽ là mất mát ko gì bù đắp nổi cho nền nghệ thuật của chúng ta.
( Trích thư A. Glazunov gửi A. Lunacharsky).


Lê Long/ nhaccodien.vn/info