Wednesday, January 1, 2020

Dạ khúc với đen và vàng, pháo hoa rơi - James Whistler



Vẽ khoảng 1875 (1872-1877) hiện đang trưng bày tại Detroit Instituete of Arts
Chất liệu: Sơn dầu | Kích thước: 60.3 x 46.6 cm
~
Đầu năm nghĩ đến tranh… có chủ đề pháo hoa, đây là bức mình đã "lướt qua" nhiều lần trong sách của David Piper mà dịp này muốn tìm hiểu thêm.
~
Bản thân mình mới chỉ biết đến Whistler qua:
  • Tranh chân dung mẹ họa sĩ (khá kết vì hòa sắc và value sâu) với tên gốc là "Biên khúc với màu xám và đen số 1" (1871)
  • Cách đặt tên tranh giống như tác phẩm âm nhạc, như "Giao hưởng của màu trắng, số 1", "Dạ khúc", "Biên khúc"
~
Với âm nhạc cổ điển, phần lớn là âm nhạc "tuyệt đối", một giao hưởng, biên khúc, dạ khúc… với tiêu đề thể hiện quy mô, cấu trúc, hình thức hay một xu hướng cảm xúc nhất định nhưng về bản chất là  trừu tượng, dù người nghe có thể tự hình dung ra những hình ảnh vật lý gắn với suy tư của mỗi người, mỗi thời điểm, nhưng bản thân những hòa âm, giai điệu đó vốn ko có mục đích miêu tả những hình ảnh cụ thể, ko bị ràng buộc với những hình ảnh cụ thể cho trước, do đó ko có đúng sai hay đòi hỏi tính chính xác, cảm nhận và liên tưởng là không giới hạn.
~
Whistler đặt tên tranh giống với các sáng tác âm nhạc cổ điển cũng là thể hiện mong muốn mọi người nhìn nhận hội họa cũng như âm nhạc.
Từ trái sáng phải:
Giao hưởng của màu trắng, số 1, Biên khúc với màu xám và đen số 1
~
Chính vì thế, Dạ khúc với đen và vàng, pháo hoa rơi (gọi tắt là"pháo hoa rơi") là ví dụ tiêu biểu cho phong trào "Nghệ thuật Vị nghệ thuật" (I'art pour I'art" - slogan gốc tiếng Pháp) được GautierBaudelair khởi xướng.
~
"Nếu một người được xem là họa sĩ có thể mô phỏng được cây, hoa hay bất cứ bề mặt nào anh ta thấy trước mắt với độ chân thực thuyết phục, vậy thì nghệ sĩ vĩ đại nhất hẳn phải là một nhiếp ảnh gia. Vì thế nên nhiệm vụ của họa sĩ là phải làm được điều hơn thế" - Whistler
~
Vị nghệ thuật với Whistler mang nghĩa bản thân bức tranh với mảng màu, hòa sắc và đường nét, hình thể của có đời sống riêng và ý nghĩa riêng, tự nó hoàn tất ý nghĩa tồn tại dù có thể không ẩn chứa thông điệp hay ý nghĩa mang tính văn học, một bức tranh không cần phải là một ẩn dụ, hoán dụ, ẩn ý cho một chuyện kể hay ám chỉ đạo đức. Tự thân bố cục với màu sắc, đường nét, hình thể sẽ tạo nên những cảm xúc và suy tư nhất định.
~
Bức tranh có thể mang những phức cảm bên ngoài khả năng diễn đạt thông thường. Dù chưa đạt đến mức như hội họa trừu tượng sau này khi tranh ông vẫn dựa vào bối cảnh thật, nhưng qua đó phần nảo giải phóng hội họa khỏi xu hướng mô phỏng, ko còn đòi hỏi về tính chính xác mà thiên về đề cao khả năng nắm bắt, khơi gợi những suy nghĩ sâu bên trong của con người trong một khoảnh khắc.
3 bức Dạ khúc khác của Whistler
~
Nằm trong loạt tranh với tiêu đề Dạ khúc, là bức dạ khúc cuối gắn với bối cảnh London và được xem là tác phẩm nổi bật ở giai đoạn giữa trong sáng tác của Whistler.
~
Bức tranh gần như là trừu tượng này, được vẽ dựa trên quang cảnh nhìn từ vườn Cremorne, khu vực công cộng khá nổi tiếng bên sông Thame, Chelsea, London, bên trên là đốm sáng pháo hoa rơi trong màn sương mù trời đêm.
~
Bức tranh nổi tiếng một phần bởi vụ kiện giữa Whistler và nhà phê bình hàng đầu của thời đại Victoria là John Ruskin diễn ra năm 1877 khi họa sĩ đâm đơn kiện Ruskin tội bôi nhọ, phỉ báng sau khi ông này lên án bức "pháo hoa rơi" là "một xô màu hắt vào mặt công chúng mà lại có giá tới 200 guinea"
~
Tranh Ấn tượng: Mặt trời mọc với Monet và Leroy
Note là 3 năm trước, 1874,  Louis Leroy đã cho "ra đời" hội họa "Ấn tượng" với bài báo tiêu đề "Buổi triển lãm của các họa sĩ ấn tượng" khi nhạo báng bức tranh  của Monet gần như cũng với tính chất tương tự.
~
Những chỉ trích của Ruskin đã khiến tranh của Whistler mất giá nhanh chóng, nhiều người thậm chí còn cảm thấy xấu hổ khi sở hữu tranh của Whistler, nguyên nhân chính khiến họa sĩ đâm đơn kiện, ông đã mong thu hồi được trên 1000 bảng Anh và với phán quyết chính thức của tòa án sẽ giúp ông lấy lại vị thế, nhưng vụ kiện bị trì hoãn nhiều năm do  sức khỏe của Ruskin khiến tình hình tài chính của Whistler ngày càng tồi tệ.
~
Căn nhà của Whistler tại Chelsea, chân dung Whistler và Ruskin 

Kết thúc với Whistler thắng kiện, nhưng phần thưởng hoàn toàn ko đáng so với những mất mát. Tòa kết luận chi phí quá trình kiện tụng sẽ chia đều cho cả 2. Chi phí cho vụ kiện công với những khoản nợ do Whisler đầu tư xây "Nhà trắng" tại Chelsea đã khiến ông phá sản năm 1879, đấu giá toàn bộ tác phẩm, bộ sưu tập và nhà cửa.


Lê Long note