Monday, February 10, 2025

Les Grandes Misères de la guerre - Những nỗi đau chến tranh

"Những đau khổ của chiến tranh" (Les grandes Misères de la guerre), nghe tên hơi sến nhưng nội dung thì không sến chút nào :v , bộ tranh khắc axít 18 tấm của Jacques Callot (1592-1635), họa sĩ sinh tại Công quốc Lorraine (nay thuộc Pháp), phát hành năm 1633 khi quê hương ông bị người Pháp xâm chiếm, trong những sự kiện thuộc giai đoạn "chiến tranh 30 năm" diễn ra tại châu Âu từ năm1618 đến năm 1648.
-
Bộ tranh là một trong những ghi chép bằng hình ảnh mang tính "hiện thực" đầu tiên về thảm họa của con người trong xung đột quân sự. Không phải là những hình ảnh ghi lại 1 trận đánh hay sự kiện lịch sử từ góc nhìn của kẻ chiến thắng, như trước đó thường được đặt hàng bởi các nhân vật quyền lực, của phe thắng trận nhằm thể hiện góc nhìn tuyên truyền, hay phô trương của họ, mà là góc nhìn từ một người sinh ra ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá.

Hình thức tranh in cũng là hướng tới đại chúng, phản ánh sự thay đổi trong đời sống chính trị xã hội châu Âu thế kỷ 17, trong thế kỷ của thương mại, sự nổi lên của tầng lớp thị dân, đồng hành cũng với các phong trào Kháng cách (Tin lành)...
-
Mỗi bức hình trong loạt tranh, giống như một sân khấu lớn, "sử dụng góc máy rộng", giúp truyền tải nhiều thông tin nhất có thể, dù ở kích thước khá nhỏ chỉ cỡ bàn tay người trưởng thành. Trong các cảnh đó, không hề có một nhân vật chính chủ đạo, ở đây nhân vật chính là đám đông, binh lính, được gói gọn trong ngôn ngữ hình thể, với các lớp cảnh tiền - trung - hậu được sắp xếp một cách rất rõ ràng nhưng hết sức tự nhiên, dưới bàn tay khéo léo của họa sĩ.
-
Người xem quan sát quang cảnh từ khoảng cách xa, đồng nghĩa với việc ko có những khuôn mặt biểu cảm của các nhân vật chính phụ trước những biến cố kinh hoàng, nhưng chỉ hình thể là cũng đủ để lột tả những thảm kịch được gây ra bởi con người với đồng loại của mình.
-
Mặt khác cũng chính ở kích thước nhỏ và được kể chủ yếu bằng ngôn ngữ cơ thể, khiến các bức hình vừa khốc liệt vừa trần trụi nhưng cũng vừa giữ "người xem" ở một khoảng cách đủ an toàn trước những sự kiện kinh hoàng. Tuy nhiên ở đây ko có một chút tính kịch hay yếu tố thần thoại, hư ảo nào (không có cái vị tướng ở trung tâm với hành động anh hùng, thiên thần hay nguồn ánh sáng hư ảo giúp tăng kịch tính hay tính chính nghĩa của một bên ....) mọi diễn biến bày ra trước mắt trần trụi, với ngôn ngữ lạnh lùng.
-
Theo trình tự, loạt tranh kể lại câu chuyện của những người lính từ khi họ đăng ký vào quân đội, chiến đấu và nhiều nhóm tham gia cướp bóc, đốt phá làng mạc, tu viện trên quãng đường họ đi qua, phạm nhiều tội ác trong các cộng đồng dân sự , để rồi bị bắt và hành quyết theo nhiều cách khác nhau bởi cấp trên của họ. Số khác chịu thương tật trong bệnh viện, bị nông dân trả thù, một số sống sót như những kẻ ăn xin què quặt. Trong khi nhiều tướng lĩnh được nhà vua ban thưởng trong cảnh cuối cùng.
-
Lê Long/ Cloudmolding

Tuesday, January 10, 2023

Tranh Lễ rước dâu trên vịnh hẹp Hardanger - Hans Gude và Adolph Tidemand

"Đám rước dâu trên vịnh hẹp Hardanger",
Tác giả: 2 họa sĩ Nauy, Hans Gude (vẽ bối cảnh) và Adolph Tidemand (vẽ nhân vật).
Tranh sơn dầu (kích thước 93x130cm) hoàn thành năm 1848
Hiện đang trưng bày tại Bảo tàng quốc gia, Oslo, Nauy
-
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của hội họa Nauy. Nếu chỉ mới quan sát bức tranh lần đầu thì có lẽ bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy nó đại diện chính xác cho bầu không khí vùng Nordic, bị hấp dẫn nơi quang cảnh được thể hiện, vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ nhưng thi vị, hài hòa với cuộc sống vui tươi, bình dị đậm bản sắc của người dân địa phương (rất giống với những mặc định trong quảng cáo du lịch ). Bức tranh là ví dụ tuyệt vời về chủ nghĩa lãng mạn dân tộc của Nauy, sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cảnh lãng mạn với những hình ảnh về cuộc sống truyền thống.
Do đó mà tác phẩm đã trở thành đại diện cho phong trào văn hóa quốc gia trong thời kỳ người Nauy đang nỗ lực định hình và thể hiện bản sắc riêng biệt ở tất cả các lĩnh vực nghệ thuật (gồm cả ngôn ngữ). Hans GudeAdolph Tidemand tiêu biểu trong hội họa, bên cạnh những tên tuổi quốc gia như Evard Grieg trong âm nhạc...
Năm 1926, Đạo diễn Rasmus Breistein còn cho ra dời bộ phim câm cùng tên và lấy cảm hứng trực tiếp từ bức tranh, bộ phim cũng trở thành một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Nauy
-
Có lẽ có không ít các tranh phong cảnh xuất sắc khác (ở khía cạnh kỹ thuật và hấp dẫn thị giác) cùng thời kỳ, tuy nhiên 2 yếu tố cơ bản làm nên vị trí đặc biệt của “Đám rước dâu trên vịnh hẹp” là ý đồ sáng tác và cách lựa chọn, xử lý chủ đề, bố cục để đạt được hiệu quả mong muốn của tác giả.
-
Bối cảnh:
Adolph Tidemand (1814-1876) ở tuổi 29, sau thời gian định cư và học ở Dusseldorf (từ 1837 - 1841), năm 1843 đã quay trở lại Nauy thăm vịnh hẹp Hardanger và gặp Hans Gude (1825-1903) tại đây, Gude kém Tidemand 11 tuổi nhưng cũng học tại Học viện Nghệ thuật Dusseldorf, khi đó đang là sinh viên năm 2. Hai người đã nhanh chóng trở nên thân thiết và hợp tác trong một số bức tranh phong cảnh, trong đó Tidemand vẽ nhân vật, khía cạnh mà Gude còn yếu.
Chuyến đi đã giúp gia tăng mối quan tâm của Tidemand với lịch sử Nauy về sau, trong thời kỳ trên khắp châu Âu, xu hướng dân tộc cũng đang nổi lên mạnh mẽ với cao trào là Cách mạng năm 1848. Trong các thế kỷ trước đó, tinh thần dân tộc dường như không phải là một thứ tất yếu với phần lớn người dân lục địa này, bởi chính trị vốn là câu chuyện của vua chúa, lãnh đạo tôn giáo, thành viên các dòng họ có thế lực như nhà Medici, Habsburg hay Bourbon... thay nhau cai trị các quốc gia hùng mạnh. Bản thân cuộc đấu tranh dành độc lập của Cộng hòa Hà Lan trong chiến tranh 80 năm phần nhiều vì mục đích tôn giáo và kinh tế nhiều hơn là dân tộc...
-
Về phần Nauy, bản sắc của họ vốn đã bị pha loãng và ít được biết đến sau gần 500 năm dưới cái bóng ảnh hưởng của Đan Mạch và Thụy Điển, Nauy suy yếu sau Đại dịch Đen (1349) đã gia nhập Liên minh mà Đan Mạnh nắm phần lãnh đạo từ 1523-1814, sau đó là một liên minh phức tạp với Thụy Điển trong thế kỷ 19 nhưng phần nào đã có vị thế được nâng cao hơn trước, đây cũng là giai đoạn phát triển ý thức dân tộc Nauy.
-
Dù mang lại vị thế sau này cho Gude, nhưng "tinh thần dân tộc" cũng là khía cạnh khiến Hans Gude cũng như nhiều họa sĩ Nauy khác phải phiền lòng trong nhiều năm bởi ông cũng như phần lớn các họa sĩ thành danh khác, đều phải lựa chọn phát triển sự nghiệp tại Đức, sống trong tinh thần quốc gia Đức thấm đẫm mọi khía cạnh đã gây ra không ít áp lực cho họ.
-
Xử lý chủ đề, bố cục:
Mong muốn vẽ một bức tranh giới thiệu về văn hóa truyền thống và thiên nhiên Nauy, là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cách chọn chủ đề và sắp xếp bố cục của 2 họa sĩ, tác giả rất thông minh và khéo léo khi chọn mô tả một đám cưới vùng quê ở góc độ như ta thấy, đủ xa cách để show ra tất cả những đặc điểm cần phải có của một đám cưới: nhà thờ, đám đông ở khoảng cách xa hòa cùng không gian sống nằm giữa thiên nhiên hiền hòa, trong lành. Bầu không khí sôi nổi, tươi vui của đám cưới sẽ thật dễ chịu khi quan sát... từ xa, khác với cái ồn ào có phần nhộn nhạo, bức bối (với những người dị ứng với đám đông) như trong "Đám cưới nông dân" của Bruegel già (hình 2). Dĩ nhiên giá trị và ý đồ của mỗi bức tranh mà họa sĩ muốn hướng đến là khác nhau, so sánh với hướng đi của Bruegel the elder để cho thấy 2 họa sĩ Nauy muốn tập trung hơn vào nét tổng thể, lối sống hiền hòa giữa thiên nhiên của người dân Nauy nhưng ko kém sức sống, một kịch bản đẹp để quảng bá du lịch (lãng mạn hóa).
-
Điểm hút với sức nặng hình thể của tranh nằm ở chiếc thuyền rước dâu chật ních người (vị trí focal point gần tiền cảnh), giúp trình bày rõ hơn những nét truyền thống đặc trưng, từ hình ảnh của trang phục, đến âm thanh (tiếng vĩ cầm, tiếng súng, tiếng rót rượu...).
-
Sự phân bố ánh sáng cũng vô cùng hợp hợp lý, cô dâu ở đuôi thuyền nhận nguồn sáng chính, nổi bật cùng với sắc áo đỏ truyền thống của vùng Hardange, đầu đội vương miện. Chú rể chìm trong tối nhưng với rim light ở cánh tay, cùng góc mặt bán diện giúp làm rõ đường biên tổng thể, ngăn cách giữa cô dâu và 2 nhân vật nữ với biểu cảm và được chiếu sáng hết sức sinh động, đang hướng mắt lên người cầm súng. Sự xen kẽ giữa các phần được chiếu sáng/ tối, mảng màu đậm và nhẹ, đường biên hình bố trí khéo léo sinh động giúp chỉ riêng đám người trên thuyền cô dâu cũng đã là một bức tranh hoàn chỉnh lý thú...
Cách xử lý tương tự với phần thuyền đằng xa và đám rước kéo dài trên bờ, nơi đoạn đường đất dưới nắng vàng tôn lên hình bóng của con người, phản ánh không khi hội hè với hậu cảnh là mảng màu tối tạo bởi shape nhà thờ, nhà ở xen kẽ lẫn cây cối...
2 họa sĩ đã phối hợp quá nhuần nhuyễn trong một bố cục mà ai cũng phát huy được tối đa thế mạnh của mình.
-
Mặc dù mang lại một ấn tượng chính xác gắn với vùng vịnh hẹp Hardangerf sông băng Folgefonna, nhưng theo lối vẽ truyền thống (thực hiện trong studio thay vì vẽ trực tiếp bên ngoài), Gude đã không mô phỏng lại từ một góc nhìn cụ thể trên thực địa, mà là một hình ảnh tổng hợp được tạo ra từ những quan sát của anh.
-
Bức tranh được đặt làm phông nền cho một hoạt cảnh. Được tổ chức tại Nhà hát Christiania của Nauy vào tháng 3 năm 1849, bao gồm một nhóm sân khấu mặc trang phục truyền thống trên thuyền biểu diễn bài hát "Brudefærden" ("Đám cưới") của Andreas Munch với âm nhạc của Halfdan Kjerulf, bức tranh chính là phông nền sân khấu.
-
Bức tranh có tới 5 phiên bản được biết đến, mỗi phiên bản đều có sự khác biệt. Phiên bản chính năm 1848 đã được Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo mua lại vào năm 1895. Phiên bản thứ hai năm 1848 với Ole Bull hóa thân vào vị trí người chơi đàn trên thuyền, ông là nghệ sĩ violin tiêu biểu của Nauy được Schumann xếp ngang hàng với Paganini. Ba phiên bản được vẽ vào năm 1853, trong đó một phiên bản đã được bán tại Grev Wedels Plass Auksjoner vào năm 2002 với giá 5,1 triệu NOK (khoảng 12 tỷ VND).
-
Quan sát kỹ hơn phiên bản 1853 (hình 3) để thấy rõ về lựa chọn, cách sắp đặt tài tình trong phiên bản 1848:
Bản 1853 khác biệt ở sự gia tăng đáng kể về tính chất náo nhiệt, hội hè của lễ cưới, nơi khẩu súng được khai hỏa thể hiện qua lớp khói, thêm người đánh trống và sự tương tác giữa những người tham dự lễ - người trên thuyền cô dâu và người ở thuyền theo sau...
-
Trong bản 1853, 2 thuyền quanh cô dâu dường như đã ra giữa sông, xa cách, gần như ngắt kết nối với phần còn lại của đám rước và không gian sinh sống trên bờ... thuyền dâu gần như xoay ngang với các nhóm người mang tính chất liệt kê, mất đu sức hút nhờ phối cảnh và hiệu quả ánh sáng, các nhân vật kề nhau khá đều về tỉ lệ lẫn tương đối đồng nhất về ánh sáng, dẫn đến cảm giác nhàm chán về thị giác.
-
Không còn được che bớt bởi núi, nhóm thuyền nhận ánh sáng bao trùm từ mặt trời và bầu trời khiến bức tranh có độ tương phản kém, sắc xanh lục của mặt nước và những dãy núi ngả vàng khiến tổng thể ấm nhưng ngả xanh lá, vàng.
-
Có lẽ cũng là chủ đích của tác giả khi sự lấn át của tông màu ấm ở bản 1853 cũng góp phần tập trung hơn vào tính chất hội hè, xôm tụ có phần huyên náo của đám rước thay cho một tổng thể hài hòa giữa con người và thiên nhiên trong bản 1848.
-
Đắm mình một chút trong bản năm 1853, rồi quay trở lại với bức vẽ gốc (hình 1) giúp chúng ta thấy rõ hơn cái hiệu quả tổng thể tuyệt vời của bản năm 1848. Bầu không khí như giảm đi vài độ C, một sự gắn kết chặt chẽ với đầy đủ tương phản và biến chuyển tinh tế trong yên bình...
Trong bản gốc, cuối cùng thì thiên nhiên ở “hậu cảnh” có lẽ mới là ấn tượng đầu tiên của bức tranh này (thứ mà ở bản 1853 cũng suy giảm, khi chỉ giữ đúng vai trò là bổ trợ cho nhóm nhân vật). Sự sinh động của thảm thực vật, của hòa sắc nóng lạnh xen kẽ, chất liệu của đá, cây và nhất là mặt nước, với những đám cây nằm dưới nước sát bờ được thể hiện hết sức tinh tế là những yếu tố khiến người xem có thể ngắm nhìn không chán mắt.
-
Bức tranh cũng là ví dụ hoàn hảo về Atmospheric Perspective, sự suy giảm về chi tiết và bầu không khí được thể hiện vô cùng lôi cuốn trong tranh, với những rặng núi từ gần tới xa được sắp đặt khéo léo về thị giác đồng thời phản ánh đúng cấu trúc tự nhiên của vùng vịnh hẹp.
-
Lê Long/ Cloudmolding - Tổng hợp và diễn giải

Bài "Brudefærden" ("Đám cưới") của Andreas Munch với âm nhạc của Halfdan Kjerulf, biểu diễn tại hội trường Đại học Olso, ở giữa sân khấu là tranh Mặt trời của Evard Munch
https://youtu.be/T7q8_4776-k

Phim "Đám cưới ở vịnh Hardanger" năm 1926 của Rasmus Breistein lấy cảm hứng, tiếp nối ảnh hưởng của tranh năm 1848
https://youtu.be/16mdvFZaFr0

Wednesday, December 21, 2022

Tượng Ác quỷ với cái bát - Damien Hirst

Click vào hình để xem kích thước lớn

 Năm 2017, Damien Hirst, nghệ sĩ giàu có cũng như tai tiếng bậc nhất Vương Quốc Anh đã tổ chức một triển lãm quy mô với tên gọi khá thu hút, " Kho báu từ xác tàu Không thể tin được " (Treasures from the Wreck of the Unbelievable). Đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập những cổ vật có từ hàng ngàn năm là bức tượng khổng lồ - " Ác quỷ với cái bát", có tạo hình trùng khớp với nhân vật trong tranh "Bóng ma con bọ chét (The ghost of a Flea) vẽ năm 1819 bởi William Blake (page đã đề cập trong post lần trước)

Triển lãm được giới thiệu là nơi trưng bày các mẫu vật - các tác phẩm điêu khắc cổ, được trục vớt vào năm 2008 từ một một con tàu Hy Lạp (mang tên "Không thể tin nổi" - Unbelievable) gặp nạn tại vùng biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi Đông Phi. Lần đầu tiên François Pinault, cho phép sử dụng cả 2 không gian Palazzo Grassi và Punta della Dogana cho một bộ sưu tập duy nhất.

Với tổng số 190 tác phẩm trải rộng trên diện tích hơn 5000m2 của cả 2 không gian bảo tàng kể trên, các mô tả của triển lãm khiến du khách tin rằng những người thợ lặn đã dành 10 năm để khám phá và trục vớt các vật phẩm từ vụ đắm tàu ​​cổ đại này, được mô tả là thuộc về một nô lệ được trả tự do người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Cif Amotan II (con tàu gặp nạn vào khoảng thế kỷ thứ I hoặc II sau CN). Hirst thậm chí còn công bố cả một bộ phim tài liệu về hành trình lặn biển thể hiện quá trình tìm kiếm "Khó tin".

Tất nhiên, tất cả chỉ là hư cấu.

Người chủ tàu với tên gọi, Cif Amotan II là đảo chữ của “Tôi là hư cấu”. Cũng như khi người xem có thể cảm nhận được ngay từ đầu khi ngắm nhìn hiện vật, và đặc biệt hoàn toàn chắc chắn khi nhìn thấy "cổ vật trục vớt" với đầy sinh vật biển bám quanh có hình... chuột Mickey hay chó Goofy

Hirst đã mất hơn 10 năm chuẩn bị cho cú lừa nửa mùa này, điều mà có thể khiến nhiều người “thấy hoặc hấp dẫn và phong phú hoặc vô nghĩa và khó chịu”, bộ sưu tập là kết quả hợp tác của Hirst với hơn 1000 nhà cung cấp trải dài từ Đức đến Nam Phi, một số tác phẩm nặng hàng tấn, tất cả đã tiêu tốn chi phí hơn 50.000.000 bảng Anh, có thể là một buổi triển lãm nghệ thuật đắt nhất từng được thực hiện bởi một nghệ sĩ đương đại.

Note theo ảnh:

1. Con quỷ với cái bát: Bức tượng hoành tráng với chiều cao hơn 8m, theo tài liệu của buổi triển lãm thì đây là phiên bản khổng lồ làm lại từ bản gốc là một tượng nhỏ làm bằng đồng, Giếng trời trung tâm của Grassi Palace trở nên khá chật chội khi phải chứa một tác phẩm lớn như vậy, có lẽ là chủ ý của Hirst khi muốn người xem khi lần đầu tiên chú ý đến nó, chỉ có thể thấy một phần, xuyên qua hàng cột hay cửa ban công, hay ngước nhìn lên khi đứng dưới chân tượng, và chỉ có thể hình dung ra tổng thể khi đã đi vòng quanh giếng trời ở cả 2 tầng lầu... điều này phần nào cũng giúp che giấu "nguồn gốc tạo hình" của tác phẩm, sự trái ngược hoàn toàn với nhân vật trong tranh gốc của Blake có kích thước khá nhỏ (21x16cm), vốn liên quan đến một sinh vật còn nhỏ bé hơn nhiều lần trong thực tế - con bọ chét.

2. Cái đầu được cắt rời và trưng bày ở một phòng riêng, giúp người xem khẳng định chắc chắn về mối liên hệ với tác phẩm của Blake, dù không hề được đề cập trong bất cứ tài liệu chính thức nào. Ở khía cạnh tích cực, ngắm nhìn 1 phiên bản 3D của Bóng ma con bọ chét, được triển khai rất công phu với các chi tiết giải phẫu tỉ mỉ ở kích thước lớn cũng là một trải nghiệm thú vị.

3. Thợ lặn tìm thấy tượng Hydra và Kali dưới đáy biển. Ảnh chụp (được dàn dựng) bởi Christoph Gerigk/ Hirst

4. Hình chiếu cạnh bên của bức tượng trong thiết kế, cho thấy rõ đây chính là phiên bản 3D Bóng ma con bọ chét của Blake. Góc nhìn mà như đã nói ở trên, không thể có được trong khuôn viên triển lãm.

5. Bức tiểu họa của William Blake vẽ năm 1819-20, The Ghost of a Flea (Bóng ma của con bọ chét) mới là nguồn gốc thực sự của bức tượng "Ác quỷ với cái bát". Tuy nhiên, nguồn gốc tượng "Demon with bowl" thường không được nhắc đến một cách chính thức.

6. Tượng Mickey phủ rêu gây nhiều bất ngờ cho người xem, đối với một số người đây chính là thời điểm họ chắc chắn về việc toàn bộ buổi triển lãm chỉ là hư cấu.

Như thường lệ, dù gây nhiều tranh cãi nhưng bức tượng "Demon with bowl" đã được cty bất động sản Knight Dragon mua lại, họ cho lắp đặt ở London, gần sông Thames, trên Bán đảo Greenwich vào tháng 3 năm 2022, sau đó bức tượng được chuyển đến khuôn viên Palms Casino Resort tại Las Vegas, trong khu vực bể bơi khách VIP.

Cloudmolding - Note tổng hợp

Saturday, December 10, 2022

Sunday, December 4, 2022

The Ghost of a Flea - William Blake

Note tổng hợp thông tin về bức The Ghost of a Flea của W. Blake vẽ năm 1819
Click vào ảnh để xem ở kích thước gốc
Cloudmolding/ Lê Long - Tổng hợp, dịch



Tuesday, November 22, 2022

Cô phụ bếp (The Milkmaid) của Vermeer

Những bức tranh đã có quá nhiều người phân tích, thông tin cũng dễ tìm, tôi chỉ định note lại cho bản thân mình, nhưng sau đó nghĩ là nếu share online, thì sẽ giúp có thêm động lực (áp lực) để duy trì việc này đều đặn hơn.

Việc này cũng ko khác cày game, cày phim là mấy... hiệu quả khá giống nhau, thậm chí là tốt hơn ở chỗ khỏe hơn, dễ chịu hơn, một kiểu giải thoát khỏi mấy chuyện ngớ ngẩn của đồng loại :)), trong khi cảm giác có giá trị tích lũy hơn đôi chút nữa.
Hiệu quả tốt nhưng đi kèm thì cũng hơi ngại lúc bắt đầu, vậy nên mới cần chút động lực, áp lực. Nói vậy chứ giờ cày game, xem phim đc trọn bộ, full trophy nhiều khi cũng cần động lực ra phết ko đùa...

Vì thông tin chủ yếu tổng hợp từ tiếng Anh, nên nhiều chỗ tôi để nguyên tiếng Anh cho tiện tra về sau, dù có thể hơi buồn cười vì tên hoặc khái niệm gốc là ngôn ngữ khác
.
Những thông tin đã note lại có thể được kiểm chứng trong khả năng có thể, hoặc ở dạng đặt câu hỏi để đấy tìm hiểu thêm về sau. Có những tên, khái niệm có thể chưa hiểu chính xác nhưng là những từ khóa quan trọng cần nhớ... và vì là luôn đi kèm cảm nhận cá nhân nên mang tính thời điểm, thể hiện cách hiểu và xu hướng cá nhân, mối bận tâm cá nhân ở thời điểm đó. 








Sunday, November 13, 2022

Đàn hạc trắng - Walter Leistikow




Được vẽ vào cuối những năm 1890, Đàn hạc trắng là ví dụ tuyệt vời về khả năng miêu tả bầu không khí đầy chất thơ của Walter Leistikow, một trong những họa sĩ vẽ phong cảnh quan trọng nhất của Đức thời kỳ Hiện đại

Sau khi bị đuổi khỏi Học viện Hàn lâm Nghệ thuật Phổ vì 'thiếu tài năng', cùng với việc tranh của ông và Edvard Munch bị từ chối tại các triển lãm hàng năm của Hiệp hội nghệ sĩ Phổ, Leistikow bắt đầu tìm cách gây dựng không gian nghệ thuật của riêng mình. Ông cùng với Max Liebermann đã thành lập Hiệp hội XI vào năm 1892, cũng như Nhóm Berlin ly khai năm 1898 nhằm công khai ủng hộ những xu hướng nghệ thuật bị chối bỏ bởi giới Hàn lâm Phổ (được bảo trợ bởi Hoàng đế Wilhelm II)

Trong suốt sự nghiệp của mình, Leistikow tập trung vào vẽ phong cảnh, đối tượng chính của ông là vùng nông thôn quê hương của mình, các hồ và rừng ở Grunewald và vùng Brandenburg, cùng với đường bờ biển của SyltRügen. Phong cảnh cách điệu của ông là sự pha trộn giữa chủ nghĩa tự nhiên và trừu tượng, chủ nghĩa Ấn tượng với màu sắc biểu đạt cảm xúc dị biệt. Ông dường như cố gắng nắm bắt bầu không khí thông qua trò chơi của ánh sáng và bóng tối, khám phá các hiệu ứng của sự tương phản trong những cảnh nắng và hoàng hôn mờ đục.

Leistikow từng là học trò của họa sĩ người Na Uy Hans Gude, người thường vẽ phong cảnh men theo bờ biển RügenMecklenburg-Vorpommern, đồng thời đã đến ParisScandinavia để gặp gỡ, tiếp thu những trào lưu nghệ thuật đương đại khác nhau nhằm lấy cảm hứng và làm phong phú thêm tác phẩm của mình.

Bức Đàn hạc trắng thể hiện rõ ràng mối quan hệ với nghệ thuật Bắc Âu đương đại, cũng như những bức tranh 'phong cách Nhật bản' (Japonisme) tại Paris được lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ Nhật Bản của các nghệ sĩ như HokusaiHiroshige.

Ngoài vẻ đẹp tự nhiên của bầy hạc trắng (quang cảnh mà có thể ông đã tận mắt chứng kiến khi đang vẽ dọc Bờ biển Baltic) chúng còn là biểu tượng của lòng trung thành, tuổi thọ, vận may, hạnh phúc và thành công trong nghệ thuật Á Đông. Nhất là khi bức tranh được vẽ vào đêm trước buổi ra mắt nhóm Berlin ly khai, khiến nó hoàn toàn có thể đã được tạo ra như một tấm bùa hộ mệnh cá nhân của họa sĩ.

-Cloudmolding- (Theo Sotheby's)