"Những đau khổ của chiến tranh" (Les grandes Misères de la guerre), nghe tên hơi sến nhưng nội dung thì không sến chút nào :v , bộ tranh khắc axít 18 tấm của Jacques Callot (1592-1635), họa sĩ sinh tại Công quốc Lorraine (nay thuộc Pháp), phát hành năm 1633 khi quê hương ông bị người Pháp xâm chiếm, trong những sự kiện thuộc giai đoạn "chiến tranh 30 năm" diễn ra tại châu Âu từ năm1618 đến năm 1648.
-
Bộ tranh là một trong những ghi chép bằng hình ảnh mang tính "hiện thực" đầu tiên về thảm họa của con người trong xung đột quân sự. Không phải là những hình ảnh ghi lại 1 trận đánh hay sự kiện lịch sử từ góc nhìn của kẻ chiến thắng, như trước đó thường được đặt hàng bởi các nhân vật quyền lực, của phe thắng trận nhằm thể hiện góc nhìn tuyên truyền, hay phô trương của họ, mà là góc nhìn từ một người sinh ra ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá.
Hình thức tranh in cũng là hướng tới đại chúng, phản ánh sự thay đổi trong đời sống chính trị xã hội châu Âu thế kỷ 17, trong thế kỷ của thương mại, sự nổi lên của tầng lớp thị dân, đồng hành cũng với các phong trào Kháng cách (Tin lành)...
-
Mỗi bức hình trong loạt tranh, giống như một sân khấu lớn, "sử dụng góc máy rộng", giúp truyền tải nhiều thông tin nhất có thể, dù ở kích thước khá nhỏ chỉ cỡ bàn tay người trưởng thành. Trong các cảnh đó, không hề có một nhân vật chính chủ đạo, ở đây nhân vật chính là đám đông, binh lính, được gói gọn trong ngôn ngữ hình thể, với các lớp cảnh tiền - trung - hậu được sắp xếp một cách rất rõ ràng nhưng hết sức tự nhiên, dưới bàn tay khéo léo của họa sĩ.
-
Người xem quan sát quang cảnh từ khoảng cách xa, đồng nghĩa với việc ko có những khuôn mặt biểu cảm của các nhân vật chính phụ trước những biến cố kinh hoàng, nhưng chỉ hình thể là cũng đủ để lột tả những thảm kịch được gây ra bởi con người với đồng loại của mình.
-
Mặt khác cũng chính ở kích thước nhỏ và được kể chủ yếu bằng ngôn ngữ cơ thể, khiến các bức hình vừa khốc liệt vừa trần trụi nhưng cũng vừa giữ "người xem" ở một khoảng cách đủ an toàn trước những sự kiện kinh hoàng. Tuy nhiên ở đây ko có một chút tính kịch hay yếu tố thần thoại, hư ảo nào (không có cái vị tướng ở trung tâm với hành động anh hùng, thiên thần hay nguồn ánh sáng hư ảo giúp tăng kịch tính hay tính chính nghĩa của một bên ....) mọi diễn biến bày ra trước mắt trần trụi, với ngôn ngữ lạnh lùng.
-
Theo trình tự, loạt tranh kể lại câu chuyện của những người lính từ khi họ đăng ký vào quân đội, chiến đấu và nhiều nhóm tham gia cướp bóc, đốt phá làng mạc, tu viện trên quãng đường họ đi qua, phạm nhiều tội ác trong các cộng đồng dân sự , để rồi bị bắt và hành quyết theo nhiều cách khác nhau bởi cấp trên của họ. Số khác chịu thương tật trong bệnh viện, bị nông dân trả thù, một số sống sót như những kẻ ăn xin què quặt. Trong khi nhiều tướng lĩnh được nhà vua ban thưởng trong cảnh cuối cùng.
-
Lê Long/ Cloudmolding